Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo bước chuyển mới cho nông nghiệp Thủ đô

Nguyễn Mai| 03/02/2023 06:50

(HNM) - Thời điểm này, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội đã chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Ứng dụng công nghệ cao đã trải rộng ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất đã được triển khai một cách đồng bộ, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo bước chuyển mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Chăm sóc cây dược liệu tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Mai Nguyễn

Mang lại giá trị kinh tế cao

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) chỉ với diện tích 1,15ha trồng rau đã mang lại thu nhập lên tới 6 tỷ đồng mỗi năm. Đây là một trong những mô hình thành công từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết, đơn vị đã bố trí 0,8ha đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tự động, đồng thời, ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản, sơ chế sản phẩm. Các loại rau trồng trong nhà màng giảm thiểu ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, sâu bệnh gây hại… Riêng khu vực sản xuất rau mầm được thiết kế theo sơ đồ 1 chiều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có nhà sơ chế, đóng gói rau, góp phần giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, tăng thời gian bảo quản.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) cũng gặt hái nhiều thành công từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo Giám đốc điều hành Hợp tác xã Uông Thị Tuyết Nhung, với diện tích 5,3ha, hợp tác xã trồng sâm Bố Chính và một số cây dược liệu. Với cây sâm, hợp tác xã sử dụng bạt phủ để ngăn cỏ dại, giảm chi phí làm cỏ; sử dụng hệ thống tưới tự động cho toàn bộ diện tích. Củ sâm, hoa và lá sau thu hoạch được chế biến sâu thành các sản phẩm, như: Trà, mỹ phẩm…, cho giá trị kinh tế cao.

“Mô hình trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao này là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Mỹ nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung, hứa hẹn tạo đột phá mới cho nông nghiệp địa phương...”, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh nhận định.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội đã đạt được 40%. Phấn đấu đến 2025, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố chiếm 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo bước chuyển mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Hỗ trợ phát triển các mô hình

Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trên địa bàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi… Một số mô hình đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội.

Trong lĩnh vực trồng trọt, với cây lúa là sử dụng giống ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong phòng, trừ sâu bệnh… Với cây rau là sử dụng nhà màng, nhà lưới, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới tự động…

Trong chăn nuôi, Hà Nội đã sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với 100% đàn bò sữa, 80% đàn bò thịt; đưa các giống mới chất lượng cao vào chăn nuôi, như: Giống bò BBB (của Bỉ), giống bò Wagyu (của Nhật Bản); sử dụng giống lợn Pietrain kháng stress vào sản xuất để nâng cao tỷ lệ nạc... Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã sử dụng máy quạt nước để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường và mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao nước tĩnh”...

Thành phố và các địa phương đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, địa phương đã đồng hành cùng Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm từ việc vận động cho thuê đất đến tổ chức nông dân tham gia sản xuất...; hỗ trợ đơn vị tiếp cận các dự án của khuyến nông thành phố và một phần cây giống, vật tư phục vụ sản xuất. Trong khi đó, huyện Ứng Hòa xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030; huyện Phú Xuyên đã quy hoạch Dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 tại xã Tri Trung với diện tích 122,7ha…

"Nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, góp phần xây dựng nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo bước chuyển mới cho nông nghiệp Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.