(HNM) - Bảo tàng Việt Nam, đó là một câu chuyện dài mà ở đó có cả mặt tích cực và hạn chế.
Trong bối cảnh đó, đã có nhiều ý kiến về số lượng và chất lượng của bảo tàng ở Việt Nam. Điểm chung là chúng ta có quá nhiều bảo tàng và đa số hoạt động theo kiểu cầm chừng, “bày hiện vật và chờ khách đến” thay vì tạo ra sức hút để mọi người phải chú ý đến mình. Trong số này, các bảo tàng ngành là đối tượng bị phán xét nhiều hơn.
Về mặt khoa học phân loại, dù còn tranh luận nhưng các chuyên gia đưa ra 6 dạng thức nhận diện bảo tàng ở Việt Nam, trong đó, với cách phân loại theo ngành trực thuộc, chúng ta có hệ thống bảo tàng quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng, các bảo tàng công an thuộc Bộ Công an, Bảo tàng Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… Chỉ điểm tên những bảo tàng này, dễ thấy một số trong đó là những bảo tàng hàng đầu trong cả nước, chẳng hạn như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón chừng gần nửa triệu lượt khách tham quan - một con số đáng kể nếu biết rằng trong thời gian gần đây, hệ thống bảo tàng Việt Nam với hơn 120 thiết chế chỉ có thể phục vụ chừng 5-6 triệu lượt khách tham quan/năm. Đưa ra ví dụ cụ thể này để thấy rằng sự yếu kém không phụ thuộc vào loại hình bảo tàng là bảo tàng ngành, bảo tàng phân theo loại hình như lịch sử xã hội, lịch sử tự nhiên hay phân loại theo quy định pháp lý…, mà do cách thức tổ chức hoạt động cụ thể của từng đơn vị.
Sự hạn chế cũng không phải do số lượng bảo tàng ngành hay địa phương có nhiều hay ít bởi nhìn ra thế giới, một số bang, thành phố lớn có số lượng bảo tàng gần bằng tổng số bảo tàng hiện có ở Việt Nam và nhiều đơn vị ở đó trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Tiêu biểu như Bảo tàng Louvre tại Paris (Pháp), Bảo tàng Tranh quốc gia Tretyakov tại thủ đô của Liên bang Nga…
Sự yếu kém của một số bảo tàng ngành có nguyên nhân từ phương thức tổ chức hoạt động, cách thức trưng bày, nguồn nhân lực và ý thức phục vụ khách tham quan. Dễ thấy sự quan tâm của một số cơ quan chủ quản đối với phần “xác” và “hồn” bảo tàng chưa có sự hài hòa. Không ít bảo tàng được xây dựng với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng, cơ ngơi hoành tráng nhưng lâm vào cảnh “rỗng ruột” hoặc nội dung trưng bày thiếu tính khoa học.
Phương thức hoạt động của đa số bảo tàng ngành thiếu sự linh hoạt, nặng tính bao cấp, chủ yếu là chờ khách đến thay vì chăm lo quảng bá, tuyên truyền, mời gọi bằng cách tổ chức các hoạt động giàu tính tương tác, mở những phần trưng bày chuyên đề phù hợp với từng đối tượng khách hoặc nhân các sự kiện lớn.
Với hoạt động bảo tàng, sự chấn chỉnh là điều cần có, nhưng giải pháp không phải là điều chỉnh số lượng hay loại bỏ một số bảo tàng, mà quan trọng là thay đổi cách thức vận hành, khắc phục điểm yếu nội tại. Các bảo tàng phải tập trung cho nội dung trưng bày, luôn đổi mới, sáng tạo trên tinh thần phục vụ khách tham quan một cách tốt nhất, lấy sự hài lòng của khách làm cơ sở tồn tại.
Nói cách khác, cần phải loại bỏ tư duy bao cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để phát huy sự sáng tạo của người làm công tác bảo tàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.