(HNM) - Đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng tại địa phương là phần việc quan trọng, tạo cơ sở cho điều chỉnh chính sách đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao của toàn dân.
Thi đấu kéo co tại Đại hội Thể dục thể thao phường Ngọc Lâm (quận Long Biên). Ảnh: Sơn Hà |
Nỗi lo số liệu "ảo"
Hơn mười năm trước, năm 2006, Luật Thể dục, thể thao chính thức có hiệu lực. Về sự kiện này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục, thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Vương Bích Thắng đánh giá: "Luật Thể dục, thể thao có tác động tích cực đến sự phát triển của nền thể thao nước nhà, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thể dục, thể thao. Luật ra đời tạo chuyển biến căn bản về nhận thức của toàn xã hội về giá trị của việc luyện tập thể dục, thể thao, về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thể dục, thể thao trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Trong Luật Thể dục, thể thao, phong trào thể dục, thể thao quần chúng được xác định là bộ phận không thể tách rời của nền thể dục, thể thao nước nhà, có những tiêu chí riêng để đánh giá. Theo Điều 12 của Luật, "Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được đánh giá bằng chỉ tiêu về số người tập luyện thường xuyên và số gia đình thể thao".
Tuy nhiên, trong thực tế đã nảy sinh bất cập khiến việc đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng thiếu chính xác, không phản ánh đầy đủ sự phát triển của phong trào cũng như những mặt hạn chế của nó tại các địa phương. Ở một số nơi, ý thức "chạy theo thành tích" làm nảy sinh những con “số ảo”, những bản báo cáo không sát thực tế và không đúng thực chất phong trào luyện tập thể dục, thể thao ở cơ sở, ảnh hưởng tiêu cực đến việc đề ra chính sách về thể dục, thể thao ở từng địa phương. Về điều này, Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục, thể thao) Nguyễn Ngọc Anh nói: “Có nhiều người phản ánh số liệu về số người tập thể dục, thể thao thường xuyên và số gia đình thể thao trong các bản báo cáo không chính xác. Tuy vậy, chúng tôi không có đủ người để rà soát được hết, chỉ có thể kiểm tra “điểm” một đơn vị nào đó mà thôi”.
Không riêng ông Nguyễn Ngọc Anh mà nhiều cán bộ thể thao cấp quận, huyện cũng không dám chắc 100% tính chính xác của số liệu về lượng người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên và số gia đình thể thao trên địa bàn. Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục, thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Nguyễn Phúc Anh nói: “Chúng tôi tập hợp báo cáo, số liệu từ các quận, huyện, thị xã nhưng rất khó đo đếm độ chính xác”.
Tăng tiêu chí - giảm báo cáo "tô hồng"
Rõ ràng là rất khó đánh giá chính xác về phong trào thể dục, thể thao quần chúng nếu chỉ dựa vào hai tiêu chí nói trên. Bởi vậy, gần đây, trong nhiều cuộc họp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao hiện hành, một số tiêu chí mới đã được nêu ra, như số công trình thể thao; số câu lạc bộ thể dục, thể thao; kinh phí dành cho hoạt động sự nghiệp thể dục, thể thao; số giải thể thao được tổ chức hằng năm; số lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cộng tác viên thể thao... Ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng: “Đề nghị bổ sung xuất phát từ yêu cầu thực tế tại cơ sở. Những tiêu chí mới được áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp đánh giá một cách chuẩn xác, toàn diện về phong trào, có tác động đáng kể đến chính sách về phong trào thể dục, thể thao tại địa phương”.
Trong số được đề nghị bổ sung, tiêu chí về số công trình thể thao được chú ý hơn cả. Ông Nguyễn Việt Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Đống Đa nói: “Tiêu chí này giúp đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng chính xác hơn, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng công trình thể thao để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Thực tế cho thấy, tại các khu vực được đầu tư thiết bị thể thao cộng đồng luôn có rất nhiều người tìm đến để tập luyện”.
Cán bộ cơ sở cũng đánh giá cao việc có thêm tiêu chí về phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Ông Đỗ Tuấn Anh, cán bộ văn hóa - thể thao phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) nói: “Với sự xuất hiện của tiêu chí về số công trình thể dục, thể thao, tôi tin rằng cả 15 tổ dân phố trong phường sẽ sớm được đầu tư dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao thay vì 7 tổ như hiện nay. Hơn nữa, công trình thể thao là thứ hiện hữu, có thể đo đếm cụ thể nên sẽ khó có chuyện xuất hiện số liệu “ảo””.
Rõ ràng, việc bổ sung tiêu chí là cần thiết, nhằm đánh giá chính xác về điều kiện tập luyện thể dục, thể thao của người dân cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với phong trào. Với những tiêu chí mới, các địa phương sẽ không còn lo về những bản báo cáo mang tính “tô hồng” quá mức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.