Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng phòng tránh, giảm thiệt hại

Chí Kiên| 26/11/2012 07:42

(HNM) - Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai vừa được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ năm (5-2013).

Theo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của thiên tai. Trong 10 năm trở lại đây, thiên tai đã làm chết và mất tích 9.500 người, thiệt hại ước tính lên tới 1,5 tỷ USD. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều loại thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, động đất... Nhóm dễ bị tổn thương nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa. Họ có rất ít nguồn lực và khả năng dự báo, ứng phó, phòng chống và khắc phục tác động của rủi ro, thảm họa. Vì vậy, việc luật hóa phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đối với Việt Nam là rất cần thiết. Hiện Việt Nam đang có khoảng 200 văn bản pháp lý điều chỉnh về phòng chống thiên tai (PCTT), nhưng chủ yếu mới quy định về PCTT liên quan đến nước. Việt Nam chưa có một đạo luật chung điều chỉnh các loại thiên tai, chưa có quy định về việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch PCTT.

Đối phó với thiên tai không chỉ là chống chọi khi nó đến và khắc phục khi nó đi qua, mà là làm trước mọi công việc chuẩn bị để không gây thiệt hại lớn, vấn đề này cần một tầm nhìn dài. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã đúc kết kinh nghiệm: "Chi một đồng phòng tránh thiên tai sẽ tiết kiệm bảy đồng khắc phục". Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này cần được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, trong phòng chống thiên tai, cần quan tâm tới các vấn đề quy hoạch đất, dân cư vùng thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra hay những vấn đề liên quan đến bảo hiểm. "Kinh nghiệm từ nước Mỹ có bảo hiểm thiệt hại do bão. Ví dụ cơn bão Sandy vừa qua mức thiệt hại ước tính khoảng 30 đến 50 tỷ USD, số tiền các công ty phải chi trả ước tính từ 10 đến 20 tỷ USD" - ông Hà dẫn chứng. Trong dự thảo luật có quy định "Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp được phép thành lập và hoạt động kinh doanh loại hình bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam". Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam thì luật cần quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi vì bảo hiểm thiên tai có rủi ro cao.

Một vấn đề nữa, luật cần nêu rõ tiêu chí và trách nhiệm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời xác định cấp độ rủi ro thiên tai và cấp độ cảnh báo thiên tai, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cảnh báo và mức độ cảnh báo, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đánh giá rủi ro thiên tai và mạng lưới cung cấp thông tin. Bà Louise Chamberlain, Giám đốc chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị: Khi xây dựng Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cần bao hàm các xu hướng về quản lý rủi ro thảm họa trong thời gian gần đây và chương trình phát triển trong thời gian tới; xem xét một số cơ chế, thể chế phù hợp để ứng phó với các rủi ro thảm họa; bao hàm được từ giảm nhẹ, chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó tới khắc phục; mở rộng vai trò, chức năng nhiệm vụ và tăng cường nguồn nhân lực cho các cơ quan phụ trách rủi ro thảm họa; thể chế hóa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong lĩnh vực nhân đạo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng phòng tránh, giảm thiệt hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.