(HNM) - Nhà chung cư để ở được thiết kế, xây dựng chỉ dành cho mục đích phục vụ sinh sống của các cư dân. Việc sử dụng không đúng mục đích sẽ gây ra nhiều bất cập trong quá trình vận hành của tòa nhà...
Quy định là vậy, nhưng thời gian qua không ít cá nhân, doanh nghiệp vẫn tìm đủ cách "lách" luật khi cố tình “biến” chung cư thành văn phòng làm việc, nơi kinh doanh, sản xuất hàng hóa... Tại Hà Nội, tình trạng vi phạm phổ biến này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống tại chung cư, gây quá tải về thang máy, điện, nước, mất an toàn, an ninh và tăng nguy cơ cháy nổ…
Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chọn chung cư để làm trụ sở văn phòng trong khi pháp luật không cho phép?
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng nhà chung cư để ở làm trụ sở văn phòng hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc mới thành lập. Ưu điểm là giá thành phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp, hơn nữa nguồn cung lại dồi dào; thời gian làm việc không bị hạn chế, tiện giao dịch, hạ tầng tốt... Vì thế, không ít gia đình khi mở công ty đã tận dụng luôn căn hộ của mình làm nơi khởi nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn "lách" luật bằng cách đăng ký địa chỉ trụ sở chính một nơi, nhưng kinh doanh tại địa điểm khác nên vẫn thoải mái hoạt động trong các căn hộ chung cư.
Để những vi phạm trên xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự thiếu ý thức của các chủ doanh nghiệp, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng; tinh thần cộng đồng trách nhiệm chưa cao của chính những cư dân sống ở chung cư. Cùng với đó, do Luật Nhà ở năm 2014 chỉ quy định không cho thuê chung cư làm văn phòng, nhưng lại chưa có chế tài đối với hành vi này khiến các cơ quan chức năng chưa thể mạnh tay xử lý các vi phạm.
Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20-10-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở nêu rõ: Từ ngày 10-6-2016, “trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là chung cư trong thời hạn 6 tháng”.
Quy định rất rõ, nhưng đa số doanh nghiệp vẫn không di chuyển địa điểm văn phòng ra khỏi chung cư. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa sát sao trong xử lý vi phạm nên doanh nghiệp phớt lờ lệnh cấm.
Hiện nay, chung cư được nhiều người dân lựa chọn làm nơi ở vì là mô hình của một đô thị văn minh hiện đại. Do vậy, đã đến lúc phải mạnh tay xử lý những vi phạm trong sử dụng chung cư để ở vào mục đích khác.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, thường xuyên giám sát đối với hoạt động đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp đặt trụ sở chính ở đâu thì cần nộp kèm theo hồ sơ các giấy tờ chứng minh liên quan. Cần quy định rõ, nếu chủ căn hộ sai phạm cho thuê sẽ bị phạt mức nào và ai là người phạt, người có trách nhiệm giám sát việc xử phạt để tránh tái phạm. Cùng với việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm bằng các chế tài đủ mạnh, thậm chí có biện pháp cưỡng chế di dời đối với các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật, bởi đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể làm ăn kinh doanh lâu dài, bền vững.
Tăng giám sát, rõ chế tài để xử phạt những trường hơp cố tình dây dưa, phạm luật - ấy là cách để bảo đảm các khu chung cư thật sự là nơi ở tiện nghi, an toàn và bình yên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.