Để bảo đảm an toàn cho người dân, trước khi bão số 3 đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp, chính quyền các quận, phường trên địa bàn Hà Nội đã rà soát, di dời nhiều hộ dân khỏi nhà nguy hiểm.
Quận Hoàng Mai, ngay trong đêm 6, rạng sáng 7-9, đã di dời khẩn cấp 48 hộ, với 160 nhân khẩu khỏi chung cư A7 Tân Mai đến Trường Tiểu học Tân Mai. Cùng ngày, chính quyền quận Ba Đình đã chủ động di chuyển người dân khỏi nhà nguy hiểm G6A Thành Công, C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh… Việc bố trí nơi ở tạm và di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm trước khi bão ảnh hưởng đã cho thấy sự chủ động của các cấp chính quyền, với tinh thần bảo đảm an toàn của người dân là trên hết.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số các công trình xuống cấp, nguy hiểm phải di dời cư dân để bảo đảm an toàn, không ít công trình tồn tại đã lâu, thậm chí thuộc danh mục dự án xây dựng lại, nhưng nhiều năm qua chưa thể triển khai. Nhà A7 Tân Mai, năm 2008, khi Hà Nội hứng chịu mưa lớn gây úng ngập lịch sử, cư dân cũng được di dời. Nhà C8 Giảng Võ hay nhà A Ngọc Khánh, từ lâu cơ quan chức năng đã phải gia cố thêm khung giằng thép. Nhà G6A Thành Công lún nghiêng, các đơn nguyên tách rời nhau. Trong điều kiện bình thường, công trình đã được đánh giá xuống cấp, hư hỏng, ở mức độ nguy hiểm. Khi có mưa bão lớn hay ngập lụt kéo dài, mức độ nguy hiểm lại càng gia tăng, nguy cơ sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài các chung cư nguy hiểm, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1.500 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ năm 1960 đến những năm 1990. Đến nay, sau hàng chục năm sử dụng, hầu hết công trình đã xuống cấp, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Những năm qua, thành phố đã lập đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, song như đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch.
Vẫn biết, xây dựng lại các chung cư cũ là việc rất khó, rất nhiều vấn đề phải giải quyết, từ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp đến lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng… để làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân, xã hội và tạo được sự đồng thuận. Song qua cơn bão số 3, một lần nữa cho thấy việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trước hết là chung cư xuống cấp, nguy hiểm cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Muốn vậy trước hết, các cấp, ngành phải thúc đẩy phần việc được phân công, trong đó ưu tiên kiểm định chất lượng công trình, lập danh mục công trình nguy hiểm để triển khai trước. Một số quy định mới được ban hành được cho là sẽ tháo gỡ vướng mắc cho dự án cải tạo chung cư cũ, song quy định thực thi hiệu quả trên thực tế hay không cần sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành. Nếu không có sự định hướng, chuẩn bị đầy đủ điều kiện của các cấp, ngành thì sẽ khó kêu gọi được nhà đầu tư, dự án sẽ khó thành. Bên cạnh đó, nếu chỉ phó mặc nhà đầu tư, mà không có sự vào cuộc của chính quyền, dự án khó có được sự đồng thuận của người dân khi giải phóng mặt bằng.
Có lẽ hơn ai hết, những hộ dân đang sinh sống trong các khu chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm không mong mỗi lần bão về là lại phải “sơ tán”. Hơn ai hết, các hộ dân mong có nơi “an cư” an toàn, tiện nghi, còn thành phố cũng muốn xóa sổ những khu nhà cũ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vì thế nên chăng, thành phố nghiên cứu cơ chế sử dụng ngân sách, kết hợp cùng các chủ sở hữu khác để đầu tư xây dựng lại chung cư nguy hiểm. Cần có những giải pháp đột phá để Hà Nội không còn nhà chung cư cũ nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.