(HNM) - Việc phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được coi là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Việt tiếp cận được với chuỗi giá trị toàn cầu. Nắm bắt được “chìa khóa” này, các doanh nghiệp Việt đã chủ động đổi mới, đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư giải pháp tích hợp công nghệ số nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế số ngày càng mạnh mẽ.
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa, đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đi đầu cho ra đời Trang trại Vinamilk Green Farm - mô hình trang trại bò sữa phát triển bền vững.
Tại Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm, nguồn tài nguyên đất được quản lý, khai thác tối ưu sao cho giữ lại tối đa giá trị dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên, thông qua các hoạt động như: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào canh tác đất, luân canh cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn phân hữu cơ từ đàn bò thay thế cho hóa chất và phân vô cơ. Đặc biệt, trong những năm gần đây Vinamilk cũng đã ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến theo công nghệ Nhật Bản nhằm giúp đất tại trang trại luôn màu mỡ và giàu dinh dưỡng.
Vinamilk cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 một cách toàn diện trong quản lý trang trại và chăn nuôi bò sữa, nhằm bảo đảm đàn bò có sức khỏe tốt, năng suất sữa cao và đạt chất lượng sữa tốt nhất như: Hệ thống quản lý khẩu phần ăn (đo lường và bảo đảm chất lượng thức ăn theo độ tuổi và giai đoạn phát triển của bò); hệ thống kiểm soát hoạt động và sức khỏe đàn bò (phân tích và báo cáo tình trạng sức khỏe nhờ các chip điện tử gắn trên mỗi con bò); hệ thống chuồng nuôi và dàn vắt sữa hiện đại (với công nghệ làm mát tiên tiến, thu gom phân tự động, đệm nằm cho bò, chổi massage, robot đẩy thức ăn Lely Juno, tất cả tạo ra môi trường sống lý tưởng cho bò)…
Tương tự, xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp là một trong số các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước được đánh giá là "chịu khó" đầu tư trên nhiều mặt để dần thích ứng với thời đại. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Máy móc thiết bị là một trong những yếu tố tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Vì thế, việc hiện đại hóa thiết bị sẽ cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Năm 2018, Khóa Việt - Tiệp đã nhập khẩu hệ thống máy móc tự động hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc và Đài Loan (Trung Quốc). Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, công ty cũng đã áp dụng thành công quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015”. Cùng với đó, Khóa Việt - Tiệp còn sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp, với hơn 400 đại lý trên toàn quốc và tại Lào, Campuchia; hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách kịp thời, đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất.
Trong khi đó, với thế mạnh là các thiết bị hiện đại, công nghệ cao, lao động lành nghề, hệ thống quản lý đạt chuẩn chất lượng quốc tế ISO, các sản phẩm xốp và nhựa của Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Hanel Plastics JSC) chuyên phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ của nền kinh tế quốc dân và là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động quảng cáo sản phẩm và phát triển thương hiệu trên nền tảng số cũng rất quan trọng đối với công ty. "Với việc đẩy mạnh giá trị thương hiệu doanh nghiệp trên nền tảng số, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp chúng tôi có thể kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế, định vị được vị trí của mình trong ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, giá trị thương hiệu lớn mạnh sẽ góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp", đại diện Hanel Plastics JSC Văn Đức Quang nói.
Thực tế cho thấy, thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tìm kiếm cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.