Tuy hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đang từng bước vươn ra thị trường toàn cầu với những tín hiệu tích cực, song nhiều sản phẩm xuất xứ Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến dù có sản lượng tốp đầu thế giới. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần làm gì để hàng Việt có được sức cạnh tranh trên sân chơi thương mại quốc tế?
Ghi danh trên thị trường quốc tế
Tối 15-8 (giờ Việt Nam), tại sàn chứng khoán Nasdaq - New York (Mỹ) "Lễ rung chuông niêm yết mã cổ phiếu của VinFast trên sàn chứng khoán Nasdaq" đã diễn ra. Sự kiện này đánh dấu việc VinFast chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, với hơn 23 tỷ USD. Trước đó, ngày 28-7-2023, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ.
Trong các ngày từ 17 đến 20-8, Tuần hàng Việt Nam lần thứ sáu được Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Retail tổ chức tại Thái Lan. 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày các sản phẩm như: Nước mắm, gạo, trái cây chế biến, hạt điều, mắc ca, tổ yến, hàng thủ công mỹ nghệ… Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Olivier Langlet thông tin, tuần hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công vào Thái Lan, làm bàn đạp tiến ra thế giới. Trên thực tế, nhiều thương hiệu hàng Việt Nam đã xuất khẩu ổn định thông qua chuỗi siêu thị của Central Group Thái Lan, như King Coffee, Mr. Viet, Trung Nguyen, Real Bean Coffee (cà phê), Acecook (mì gói), Vifon (phở ăn liền), Chinsufoods (xì dầu), Daiviet (cháo ăn liền), Viet Pepper (hạt tiêu)…
Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, thương hiệu cà phê Việt Nam King Coffee đã thâm nhập thành công vào hệ thống Costco Wholesale, chuỗi cung ứng bán buôn lớn nhất tại Mỹ và tiếp tục có kế hoạch thâm nhập hầu hết các bang tại Mỹ. King Coffee ra mắt tại Mỹ năm 2016, đến nay đã phát triển tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc…
Cần cách làm bài bản
Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam đã góp mặt vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhóm hàng Việt xuất khẩu dưới tên một quốc gia khác hoặc nhãn hiệu khác mà không phải Việt Nam. Điều này phản ánh đúng với nhóm hàng nông sản khi có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu. Như với mặt hàng gạo, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu trên thế giới, song theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, gạo Việt Nam được bán tại Anh dưới thương hiệu do nhà phân phối đặt như Longdan, Golden Lotus, Buffalo, Green Dragon, Red Ant… Không những thế, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đều ở dạng “gia công”, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt để bán.
Hay như với mặt hàng cà phê, Việt Nam cũng là quốc gia tốp đầu nhưng chưa nhiều khách hàng nước ngoài biết đến. Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường (Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam) Đào Thu Trang cho hay, nhiều người Đức vẫn chưa biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong khi những gói cà phê họ sử dụng hằng ngày được xuất thô từ Việt Nam. Tương tự, 90% sản lượng chè và 95% sản lượng hồ tiêu được xuất khẩu thô hoặc chỉ sơ chế nên khi ra thế giới mang tên các đối tác nước ngoài…
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều cánh cửa ra thị trường thế giới được mở qua các hiệp định thương mại tự do; xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để hàng hóa Việt Nam duy trì thị phần tại thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ về thành công của thương hiệu Vinfast, Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết, 3 điểm mấu chốt mà các công ty trong Vingroup, bao gồm VinFast, liên tục phấn đấu để đạt được là: Sản phẩm xuất sắc, giá cả cạnh tranh, dịch vụ cực tốt. Chiến lược kinh doanh trên toàn cầu của VinFast rất rõ ràng. Đầu tiên, VinFast dựa vào thị trường trong nước và coi đó là nền tảng để đi ra các thị trường khác. Với chiến lược phát triển toàn cầu, VinFast bắt đầu từ Mỹ, khó nhất nhưng cũng nhiều cơ hội.
Còn Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Paul Le lưu ý, thương hiệu phải dễ đọc, dễ nhớ. Sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng và tiêu chuẩn của từng thị trường và đặc biệt là xu hướng tiêu dùng xanh đang lên ngôi.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, để xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam phải có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan. Theo đó, sản phẩm cần đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, phát triển bền vững đồng thời phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường. Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia đến năm 2030 nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến:
Cần xây dựng thương hiệu hàng Việt xanh
Phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đang trở thành một yếu tố cấp thiết và bắt buộc trên toàn thế giới hiện nay. Thực tế phát triển xanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất xanh là yêu cầu của nhiều thị trường lớn trên thế giới, nhất là các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam vì thế cần chú trọng chuyển dịch sản xuất, dịch vụ theo hướng “xanh”, tận dụng những lợi thế để quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp xanh sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị phần, phát triển ổn định tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Với những yêu cầu như vậy, doanh nghiệp cần tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phát thải lớn, ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng:
Bảo hộ nhãn hiệu Việt còn yếu
Khi hội nhập quốc tế, các thương hiệu Việt còn yếu trong việc bảo đảm sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài. Các doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến vấn đề nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu trong việc phát triển thương hiệu của mình. Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động trong xây dựng thương hiệu, chưa có cách tiếp cận, hành động cụ thể để khai thác lợi thế quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển thương hiệu của mình. Thực tế, số nhãn hiệu Việt Nam đăng ký ở nước ngoài còn khiêm tốn cho thấy khả năng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh quốc tế vẫn hạn chế.
Để có thương hiệu mạnh và phát triển hiệu quả, quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố không thể bỏ qua. Những doanh nghiệp đăng ký thành công nhãn hiệu trong nước và nước ngoài đã khẳng định được thương hiệu của mình trong môi trường cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng:
Xây dựng thương hiệu gắn với chế biến sâu
Trong 11 năm xuất khẩu hàng Việt Nam, Công ty Vinanutrifood luôn xác định để có vị thế trên thị trường quốc tế phải xây dựng được thương hiệu mạnh, độc đáo đồng thời phải xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu qua con đường chính ngạch, tránh xuất khẩu sản phẩm thô dẫn tới sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng nhãn mác nước ngoài. Đến nay, chúng tôi đã phát triển được những sản phẩm cà phê, trái cây, rau qua hòa tan mang thương hiệu Vinanutrifood được người tiêu dùng quốc tế yêu thích, tin dùng.
Để có thể tiếp cận thị trường thế giới nhanh và hiệu quả, Vinanutrifood chú trọng phát triển thương mại số với đa điểm chạm, tập trung cho chiến lược “Khách hàng ở đâu kênh bán hàng Vinanutrifood ở đó”. Như với thị trường Trung Quốc, Vinanutrifood làm việc với các streamer (người phát hình trực tuyến), với các sàn thương mại điện tử lớn của đất nước tỷ dân này để có thể đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Vinanutrifood đã phát triển hệ thống "Nhà Việt Nam" tại thị trường Trung Quốc và tổ chức quảng bá hàng Việt như Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam.
Hà Nguyễn ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.