Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường sức mạnh chống khủng bố

Phương Quỳnh| 05/07/2017 05:55

(HNM) - Ngày 2-7, tại Hội nghị An ninh nhóm 5 nước Sahel (còn gọi là G5 Sahel, gồm Mali, Niger, Cộng hòa Chad, Mauritania và Burkina Faso), với sự ủng hộ tích cực của Pháp, nhóm quốc gia tại khu vực hạ Sahara thuộc Châu Phi đã nhất trí thành lập một lực lượng quân đội đa quốc gia với nhiệm vụ triệt tiêu các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Khu vực hạ Sahara được coi là “thiên đường” cho nhiều nhóm thánh chiến.



Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây, an ninh vùng Sahel rơi vào tình trạng cực kỳ bất ổn. Lợi dụng địa hình phức tạp cũng như sự quản lý lỏng lẻo tại khu vực giáp ranh biên giới khu vực, các nhóm Hồi giáo cực đoan và phần tử thánh chiến đã biến vùng đất khô hạn này thành "thiên đường" trú ẩn. Trong đó, một số nhóm đã có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mới đây, các nguồn tin tình báo cho biết, 3 nhóm thánh chiến hoạt động tại khu vực Sahel có liên hệ với Al Qaeda đã sáp nhập với nhau, thành phong trào thánh chiến nguy hiểm mới với tên gọi "Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo". Liên minh Châu Phi (AU) cũng thông báo, khoảng 2.500 tay súng IS đã trốn khỏi những vùng chiến sự tại Syria, Iraq, Yemen để tới Sahel, lập nhiều nhóm nhỏ lẻ, đe dọa an ninh vùng hạ Sahara. Đứng trước thực trạng này, Tổng thống Mali Ibrahim Keita đã phải lên tiếng cảnh báo: “Các quốc gia trong khu vực của chúng ta hiện đang là vùng đất tàng trữ đủ các loại vũ khí, là nơi ẩn náu của các chiến binh và phần tử khủng bố nước ngoài trốn chạy sang”.

Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các tay súng thánh chiến ở khu vực được cho là vùng đệm với Châu Âu sẽ mở rộng địa bàn hoạt động, đe dọa lợi ích của các nước phương Tây. Vì thế, Liên minh Châu Âu (EU) đã không ngần ngại “rút hầu bao” hỗ trợ G5 Sahel trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây cũng là lý do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn Mali là quốc gia đầu tiên ngoài biên giới Châu Âu để công du sau khi ông nhậm chức. Các nhà lãnh đạo Pháp từng tuyên bố, cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel cũng chính là cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại Pháp.

Trên thực tế, sáng kiến thành lập liên quân G5 Sahel được khởi xướng từ cuối năm 2015, nhưng đến đầu năm nay mới được triển khai gấp rút nhờ sự thúc ép tích cực của Pháp. Theo thỏa thuận đạt được, G5 Sahel sẽ góp quân cùng với đất nước hình Lục lăng để thành lập một lực lượng gồm quân đội, cảnh sát, lực lượng dân sự để chống khủng bố và các hoạt động buôn bán người, ma túy trái phép. Lực lượng này sẽ hoạt động tại khu vực biên giới, loại trừ hoạt động của các nhóm vũ trang cực đoan và các nhóm tội phạm có tổ chức đang hoành hành tại đây.

Tuy nhiên, thách thức trước mắt của liên quân G5 Sahel, theo Tổng thống Pháp E.Macron, là việc khẩn trương thành lập một bộ chỉ huy tham mưu. Các quyết định cần được thực hiện thật nhanh để có được bộ khung của cơ quan này vào cuối tháng 8 tới. Nhờ đó, trong tháng 9 và tháng 10, lực lượng này mới có thể chính thức đi vào hoạt động, đồng thời triển khai các chiến dịch cụ thể. Bên cạnh đó, liên quân Sahel sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ khi phải kiểm soát một khu vực trải dài đến 6.000km suốt chiều ngang châu lục. Đây gần như một nhiệm vụ bất khả thi bởi quân số và nguồn lực đầu tư ban đầu có hạn. Vì vậy, trước mắt lực lượng này sẽ tập trung kiểm soát ở một số khu vực điểm nóng nơi các nhóm khủng bố vũ trang hoạt động mạnh nhất.

Theo nhiều nhà phân tích, mặc dù nỗ lực của Pháp và 5 quốc gia Châu Phi chưa thể lập tức mang tới những kết quả đột phá trong cuộc chiến chống khủng bố, song việc thành lập một liên minh quân sự tại khu vực này sẽ từng bước làm triệt tiêu các nhóm Hồi giáo cực đoan. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm trừ tận gốc các ổ nhóm khủng bố, đặc biệt là các tay súng thánh chiến xuất phát từ Lục địa đen.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sức mạnh chống khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.