Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 04/09/2017 07:23

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra theo xu hướng tích cực, cao hơn hẳn so với cùng kỳ của các năm trước. Giới đầu tư nước ngoài đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố để triển khai hàng nghìn dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, thực tế này cũng đòi hỏi sự tăng cường quản lý đầu tư nước ngoài để ngăn chặn tiêu cực phát sinh.


Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp khoảng 20% GDP và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cũng như tạo ra hơn 4 triệu việc làm và đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách. Đặc biệt, các dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp góp phần du nhập, sử dụng và phát huy tác dụng tích cực của công nghệ tiên tiến trên thế giới; từ đó giúp nền kinh tế tăng tốc độ chuyển dịch cơ cấu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm theo hướng hội nhập quốc tế.

Nhiều vùng, địa phương đã có bước chuyển đổi trong hoạt động sản xuất tích cực, từng bước xóa đói giảm nghèo một phần nhờ có dự án đầu tư nước ngoài triển khai trên địa bàn.

Tính chung, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư khoảng 300 tỷ USD vào Việt Nam. Kết quả giải ngân đạt hơn 50%, trở thành nguồn lực quan trọng, liên tục cho quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Thực tế trên đòi hỏi làm sao thúc đẩy, tăng tốc độ giải ngân đầu tư nước ngoài liên tục và cao hơn kết quả đã đạt được? Mục tiêu là tranh thủ tối đa nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài một cách tổng hợp, cả về vốn, công nghệ và nhất là thời gian bởi đó là những yếu tố quan trọng hàng đầu để đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, câu chuyện không diễn ra suôn sẻ như mong muốn. Trước hết, trình độ công nghệ trong dây chuyền sản xuất của các dự án đầu tư nước ngoài tại nước ta nhìn chung mới đạt mức trung bình hoặc trung bình khá của thế giới. Điều này có nghĩa là đối tác Việt Nam mất cơ hội được tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ phía nhà đầu tư nước ngoài; dẫn đến tình trạng chậm thay đổi thế hệ công nghệ trong sản xuất cũng như tiêu tốn nhiều năng lượng, nguồn lực tại chỗ.

Nhưng thiệt hại lớn nhất chính là tác động tiêu cực đến môi trường do một số dự án đầu tư nước ngoài gây ra. Hẳn chưa ai quên được bài học đau xót, để lại hậu quả nghiêm trọng do Công ty Vedan xả thải bức tử môi trường hệ thống sông Thị Vải - Đồng Nai; gây hệ lụy và thiệt hại to lớn đối với đời sống dân sinh địa phương. Những thiệt hại về lâu dài đối với môi trường khu vực, sức khỏe người dân là không thể đo đếm, tính toán được. Tiếp đó, ảnh hưởng môi trường do Công ty Formosa gây ra tại miền Trung, khiến hoạt động khai thác hải sản bị đình hoãn, phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng...

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần chủ động và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư nước ngoài nhằm loại bỏ nguy cơ vốn ảo. Các chuyên gia cũng đồng thuận với nhận định này và nhấn mạnh, dư luận xã hội có quyền “sốt ruột” và bức xúc trước việc một số dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn nhưng đến nay vẫn bất động. Ví dụ như Dự án thành phố mới Nhơn Trạch, dự án thép Kobelco...

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung rà soát tiến độ giải ngân cụ thể của các dự án đã cấp phép, đối chiếu với cam kết của nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng tăng cường chất lượng công tác thẩm định hồ sơ dự án đầu tư nước ngoài, kịp thời đánh giá cũng như kiên quyết rút giấy phép đối với những dự án “có vấn đề”...

Từ thực tế trên, Chính phủ đang chủ động nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương. Đặc biệt, gần đây các địa phương đã mạnh tay hơn trong việc rà soát đầu tư nước ngoài, tiến tới xử lý một số dự án vi phạm cam kết, chủ yếu do chậm triển khai, gây thiệt hại cho xã hội cũng như làm mất cơ hội của nhà đầu tư đến sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.