(HNM) - Đó là một trong những điểm nhấn được đưa ra tại hội thảo tổng kết dự án
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị trên cả nước ước khoảng 38.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom ở đô thị trung bình hiện nay khoảng 84%. Trong khi rác thải sinh hoạt và đặc biệt là chất thải rắn ngày một gia tăng thì hoạt động thu gom, xử lý và tái chế vẫn chưa có hướng đi khả quan. Phần lớn chất thải rắn thu gom được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Nhưng, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích đất lớn. Đặc biệt, thói quen sử dụng túi ni lông tràn lan ở nước ta gây nguồn lớn rác vô cơ…
Hiện nay, cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý chất thải rắn, tập trung tại các đô thị, vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày. So với năm 2012, chất thải rắn được xử lý đã tăng khoảng 3.600 tấn/ngày, nhưng nếu so sánh với mức độ gia tăng chất thải rắn đô thị hiện nay thì chưa thực sự hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, kỹ thuật, nguồn lực tài chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp chất thải rắn. Do đó, dự án "Tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam" có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Dự án này do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, kéo dài 4 năm (từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2018), có mục tiêu quản lý tổng hợp chất thải rắn được thiết lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo chiến lược quốc gia. Sau 4 năm, dự án đã hỗ trợ Bộ Xây dựng triển khai nhiều nội dung quan trọng, như rà soát các chính sách, quy định, khung thể chế và các tiêu chuẩn về quản lý chất thải rắn đô thị; đánh giá các công nghệ truyền thống và hiện đại trên phương diện xử lý và quản lý, đồng thời đưa ra đề xuất về các tiêu chí lựa chọn công nghệ phù hợp; hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn đô thị; tăng cường năng lực kiểm tra và giám sát thực hiện quản lý chất thải rắn đô thị tại các địa phương; thu thập dữ liệu nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn đô thị tại cấp trung ương, phân tích và đánh giá các vấn đề tồn tại; nghiên cứu các mô hình đầu tư và quản lý áp dụng cho đầu tư xây dựng, quản lý các khu liên hợp xử lý...
Đến nay, dự án đã hoàn thành 6 tài liệu hướng dẫn và được triển khai thực tế. Theo Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Naoki Kakioka, dự án đã mở ra chương mới với những yêu cầu lớn hơn về vai trò của các bên liên quan trong quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.
Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn và đưa vào vận hành. Hà Nội là một điển hình, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, đồng thời giảm tỷ lệ rác chôn lấp còn 30%; phấn đấu đến năm 2019 sẽ có nhà máy đốt rác chuyển thành năng lượng. Hiện, dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện do Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng Nhật Bản (NEDO) tài trợ, áp dụng công nghệ tiên tiến, biến chất thải công nghiệp thành nhiên liệu chạy máy phát điện, đã được vận hành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.