Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hợp tác công - tư

Phong Thu| 21/02/2012 07:07

(HNM) - Lâu nay, việc hợp tác công - tư trong cải cách hành chính (CCHC) chưa thực sự cởi mở nên người dân và doanh nghiệp (DN) chưa có thói quen tham gia, góp ý xây dựng các vấn đề liên quan đến quy định hành chính. Điều này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến lộ trình thực hiện CCHC trong giai đoạn tới.


"Ngại" hợp tác

Điển hình cho việc hợp tác công - tư theo chỉ đạo của Chính phủ trong công tác CCHC là Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (Đề án 30) đã huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng DN và người dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện Đề án 30, sự tham gia của DN và người dân vẫn còn khá khiêm tốn. Số TTHC do DN kiến nghị thông qua Hội đồng Tư vấn (HĐTV) cải cách TTHC mới chỉ có 366 thủ tục trên tổng số hơn 5.700 TTHC. Báo cáo tổng kết của Đề án 30 cũng chỉ ra rằng: Mặc dù rất quan tâm đến vấn đề cải cách TTHC nhưng phần lớn DN, doanh nhân Việt Nam mới dừng lại ở vị trí người quan sát, chưa thực sự tham gia tích cực vào quá trình này một cách rộng rãi. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như cách huy động tham gia còn hình thức, phương pháp kêu gọi sự tham gia chưa phù hợp, đồng thời cũng do trình độ chuyên môn, tính trách nhiệm thấp của các DN và một bộ phận người dân. Nhiều DN, hiệp hội DN và các tổ chức vẫn thường ứng xử các vấn đề theo tính vụ việc, chỉ phản ứng khi có vấn đề cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến họ xảy ra".


Công tác cải cách hành chính hiệu quả cần sự hợp tác có trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp.  Ảnh: Bá Hoạt

Việc thiếu mặn mà hợp tác của DN và người dân cũng đang làm khó các cơ quan trong các hoạt động khảo sát. Theo ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ): "Kết quả khảo sát một số địa phương để triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa" cấp huyện cho thấy, người dân vẫn không tự giác và cũng không thẳng thắn, nhiệt tình khi được "mời" đánh giá, nhận xét về bộ máy công quyền. Với hình thức đơn giản nhất là đánh dấu vào phiếu điều tra thì nhiều người vẫn làm lấy lệ hoặc mang về nhà rồi quên luôn".

Cần chung tay thực hiện

Hợp tác công - tư trong cải cách TTHC tiếp tục là định hướng quan trọng trong giai đoạn tới, thể hiện ở các mô hình cơ quan kiểm soát TTHC ở TƯ và địa phương. Một trong những nhiệm vụ của các cơ quan này là tiếp nhận, phản ánh và xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến quy định hành chính. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tiếp tục duy trì HĐTV cải cách TTHC. HĐTV đại diện cho người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng DN và các cơ quan nghiên cứu tham gia tư vấn, hỗ trợ VPCP trong việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm đề xuất sáng kiến cải cách TTHC, tổ chức kiểm soát TTHC và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong phạm vi cả nước. Từ 15 thành viên, giờ đây HĐTV đã được kiện toàn lại, nâng lên 27 thành viên, với thành phần phong phú: Đoàn Thanh niên, Hội CCB Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Thương mại, Hiệp hội DN, các viện nghiên cứu khu vực… Ngoài các tổ chức này, ý kiến tham góp của người dân, DN còn được đặc biệt coi trọng khi đưa vào làm tiêu chí cho điểm trong 2 bộ chỉ số theo dõi đánh giá CCHC và theo dõi, đánh giá chất lượng "một cửa" cấp huyện (được Bộ Nội vụ triển khai thực hiện thí điểm trong năm nay). Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Chủ tịch HĐTV cải cách TTHC từng trăn trở: "Trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách TTHC như xây dựng cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia, kiểm soát những TTHC mới ban hành thì nhiệm vụ khó khăn nhất là làm sao huy động được cả xã hội chung tay cải cách TTHC; làm sao để người dân chủ động đưa ra những sáng kiến, kiến nghị cải cách TTHC, đồng thời giám sát việc thực hiện cải cách ở mọi cấp, ngành". Hàng loạt hoạt động nhằm kêu gọi sự hợp tác của khối tư nhân vào công tác CCHC cũng như chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra mục tiêu 10 năm tới, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 80% đã cho thấy, công cuộc CCHC đang hướng tới sự hài lòng của người dân, DN, lấy sự hài lòng đó làm thước đo kết quả đạt được. Vì thế, nếu vẫn tồn tại sự thiếu hợp tác và tâm lý e dè của người dân, DN đối với các cuộc tham vấn, khảo sát thì sẽ không thể có kết quả đánh giá chính xác.

Hơn lúc nào hết, người dân và cộng đồng DN - những đối tượng chủ yếu chịu sự tác động của TTHC cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, đồng hành với Nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, công khai, sát thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hợp tác công - tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.