(HNM) - Để bảo đảm chất lượng nông sản dịp Tết nói riêng và thị trường nói chung, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, chợ đầu mối...
Lực lượng chức năng của TP Hà Nội kiểm tra chất lượng thực phẩm tại cơ sở. |
Theo Phó Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) Lê Trung Kiên: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm bán ở các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, một số sản phẩm rau, củ, quả bán ở chợ đầu mối vẫn chưa có nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa bày bán lộn xộn.
Đối với các công ty cung cấp nông sản, thực phẩm cho bếp ăn tập thể thì cơ bản có nguồn gốc xuất xứ, nhưng một số nơi vẫn chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hàng tươi sống vẫn để lẫn với hàng khô, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, công nhân chưa mặc áo bảo hộ lao động... Từ đầu năm đến nay, các Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT đã tiêu hủy hàng chục tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm an toàn; phạt cảnh cáo và yêu cầu khắc phục đối với cơ sở vi phạm lần đầu...
Hiện nay, mặc dù thành phố đã phân cấp trong việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng khi kiểm tra ở cơ sở vẫn phát hiện vi phạm. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu do cấp quận, huyện triển khai còn chậm và chưa quyết liệt. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y có hiệu lực, bãi bỏ kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh, vì vậy việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thêm khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến còn ít. Một số công ty chưa xin cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động sơ chế rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm... khi hết thời hạn, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ nhằm giảm tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tăng số lượng các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn kết các cơ sở giết mổ động vật với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ. Các đơn vị của ngành cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, công tác lấy mẫu giám sát các sản phẩm rau, thịt, thủy sản đúng quy định...
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu theo quy định ở các công ty, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo đó, yêu cầu các nhà cung cấp thực phẩm cho công ty khi giao hàng phải kèm theo đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; thực hiện lưu giữ hồ sơ phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có yêu cầu. Các công ty cần tăng cường công tác vệ sinh, bảo trì tủ bảo quản, phòng sơ chế, thực hiện ghi chép đầy đủ hồ sơ theo dõi nhiệt độ các tủ bảo quản... nếu vi phạm, cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.