(HNMCT) - Trong các yếu tố thúc đẩy việc tăng tỷ trọng và doanh thu du lịch, mức chi tiêu của du khách đóng vai trò quan trọng. Được đánh giá là thành phố giàu tài nguyên du lịch, nhưng mức chi tiêu bình quân của du khách vẫn thấp là bài toán đặt ra cho ngành Du lịch Hà Nội.
Sản phẩm nghèo nàn, mức chi tiêu thấp
Mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Hà Nội hiện nay chỉ vào khoảng 113,5 USD/người/ngày, trong khi tại Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) là 537 USD, Paris (Pháp) 301 USD, Singapore 286 USD, Phuket (Thái Lan) 239 USD/người/ngày...
Theo các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, đó là khoảng cách khá xa giữa mức chi tiêu của du khách khi đến Hà Nội so với các thành phố khác trên thế giới. Đáng nói là con số này dường như vẫn "giậm chân tại chỗ" suốt nhiều năm qua.
Du khách lựa chọn hàng lưu niệm tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Linh Tâm |
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, đầu tiên phải kể tới là hệ thống cơ sở mua sắm phục vụ du lịch đạt chuẩn rất ít. Mặc dù Sở Du lịch Hà Nội đã có những động thái tích cực như khuyến khích các nhà hàng, cửa hiệu nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí phục vụ du khách để được công nhận cơ sở mua sắm, nhà hàng đạt chuẩn nhằm từng bước hình thành các chuỗi mua sắm phục vụ khách du lịch, nhưng hệ thống này vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do hạ tầng cơ sở không đáp ứng yêu cầu, hàng hóa nghèo nàn và thiếu sự kết nối với các công ty du lịch nên không khuyến khích được du khách chi tiêu.
Trong khi đó, các nước trong khu vực và thế giới lại rất biết cách “móc túi” du khách bằng các điểm mua sắm tiện lợi, hàng hóa đa dạng, đảm bảo chất lượng và thiết kế hợp lý theo tour nên đã kích thích được sức mua sắm của du khách.
Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho rằng: Thành phố Hà Nội còn rất thiếu các điểm mua sắm và ẩm thực phục vụ du khách. Những địa điểm để người làm du lịch có thể tự tin giới thiệu đến du khách chưa nhiều. Thậm chí, dù sở hữu hơn 1.300 làng nghề nhưng sản phẩm du lịch làng nghề của Thủ đô vẫn chưa phát triển tương xứng bởi cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn hạn chế, sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu...Theo ông Nguyễn Gia Phương, Hà Nội cần hình thành các khu mua sắm, ẩm thực có quy mô lớn, chuyên nghiệp để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Sản phẩm du lịch cũng là lý do khiến thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách ở Hà Nội chưa nhiều. Tính bình quân mỗi khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 3,67 ngày còn khách nội địa là 2,32 ngày. Thực tế, Hà Nội còn thiếu các khu du lịch tổng hợp (vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng) quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Hà Nội hiện mới chỉ tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, trong khi những khu vui chơi lớn như Thiên đường Bảo Sơn, Tuần Châu - Quốc Oai lại quá ít ỏi, quy mô chưa tương xứng với nhu cầu. Các công trình trọng điểm phục vụ du lịch như: Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, Công viên Văn hóa du lịch giải trí quốc tế Kim Quy (Đông Anh), Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (Ba Vì)... chưa hình thành.
Thúc đẩy du khách chi tiêu
Khắc phục thực trạng sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ sẵn có, những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm du lịch. Trong đó, một số dự án quy mô lớn, có khả năng thu hút đông khách du lịch như: Công viên Văn hóa du lịch giải trí quốc tế Kim Quy, Dự án sân golf khu đất bãi ngoài đê sông Đuống, Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Xuân Khanh... Các dự án này hiện đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục nâng cấp một số tuyến, điểm kết nối với doanh nghiệp nhằm đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng như: Làng họa sĩ Cổ Đô (Ba Vì), làng nghề may Vân Từ (Phú Xuyên), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, phố cũ...
Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội đang đề nghị thành phố có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các điểm du lịch văn hóa, khu vui chơi giải trí kết hợp với thể thao để hình thành các chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh, hấp dẫn theo hướng phát triển du lịch bền vững.
Đối với hệ thống mua sắm phục vụ khách du lịch, Hà Nội hiện có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Về cơ bản, các nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, thiết lập được hệ thống cửa hàng, cửa hiệu có chất lượng song vẫn còn ít so với nhu cầu mua sắm của du khách. Trong thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư bài bản cả về hạ tầng và chất lượng phục vụ.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành Du lịch sẽ chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ là những người dân ở các khu, điểm du lịch. Vấn đề được Hà Nội quan tâm hàng đầu là nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa cho những người tiếp xúc trực tiếp với du khách, để Hà Nội tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện và hấp dẫn trong tương lai.
Năm 2019, Hà Nội phấn đấu đón trên 28,9 triệu lượt khách du lịch (tăng 10% so với năm 2018), trong đó khách quốc tế đạt trên 7 triệu lượt khách (tăng 17%), tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng (tăng 34%). Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với năm 2018. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.