(HNM) - Tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng qua tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Thủ đô. Với kim ngạch đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017, cho thấy sự bứt phá của các ngành hàng xuất khẩu...
Đáng chú ý, vị trí tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa các thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Nội đã khẳng định một xu hướng đúng, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong khi đó, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu, với tỷ trọng lớn nhất (khoảng 47%).
Kết quả trên còn chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả của chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Đặc biệt, tính bền vững, hiệu quả trong xuất khẩu luôn được thành phố đặc biệt chú trọng. Đó là thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển. Các chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, làng nghề... triển khai trong thời gian qua đã phát huy tác dụng. Qua đây giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, độ mở của nền kinh tế là rất lớn, trong đó kim ngạch xuất khẩu luôn có đóng góp quan trọng cho GRDP của thành phố, vì thế mỗi "động tĩnh" ở lĩnh vực này đều ảnh hưởng trực tiếp đến "sức khỏe" nền kinh tế. Với tầm quan trọng như vậy, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, đòi hỏi các ngành chức năng của thành phố cùng các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, khắc phục những tồn tại, khó khăn để đạt mục tiêu đề ra.
Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách mà thành phố đang thực hiện, bản thân mỗi doanh nghiệp cần định hướng rõ "đường đi nước bước" trong ngắn hạn, dài hạn về chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng tốt yếu tố thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và một số thị trường mang lại. Doanh nghiệp không chỉ chiếm lĩnh thị trường mà phải giữ thế chủ đạo ở các ngành hàng Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có lợi thế trên thế giới.
Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, việc quan trọng là phải lưu tâm đến giá trị thương hiệu bởi điều này sẽ góp phần tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra là chú ý đến các yếu tố thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, phát triển xuất khẩu tại chỗ... Những vấn đề đặt ra trong thương mại toàn cầu hiện nay đã hiện hữu do căng thẳng giữa một số quốc gia, khu vực. Đây là cơ hội cũng là thách thức mà các ngành chức năng và doanh nghiệp cần nhìn nhận để có ứng xử phù hợp, linh hoạt nhằm phát triển, mở rộng thị trường, sản phẩm xuất khẩu.
Hiện tỷ trọng xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối FDI, vì thế, việc tăng cường tương tác giữa doanh nghiệp trong nước và khối này là rất cần thiết, qua đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Và hơn thế là những sản phẩm "Made in Vietnam" sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Muốn vươn ra biển lớn, các doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn cầu. Đấy cũng là hướng đi tất yếu để lĩnh vực xuất khẩu bảo đảm hiệu quả, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.