Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng lợi thế để phát triển tỉnh Hòa Bình theo hướng bền vững

TTXVN| 12/12/2018 06:45

Sáng 11-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo địa phương cho biết, so sánh với cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 (8,36%), Hòa Bình đứng ở vị trí thứ 19; tỷ lệ hộ nghèo còn 14,9% - cao thứ 12 cả nước. Tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình trong năm 2018 ước đạt 2.550.000 lượt khách; thu nhập ước đạt 1.464 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.400 tỷ đồng, vượt 22% dự toán nhưng tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.160 tỷ đồng. Cùng với đó, diễn biến bất thường của thời tiết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Công tác quản lý đất đai còn một số hạn chế, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra. Chất lượng giáo dục chuyển biến không nhiều và có sự chênh lệch giữa các vùng; đặc biệt để xảy ra vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia. Vụ án sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa được giải quyết xong.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội; GDP bình quân đầu người tiệm cận bình quân cả nước; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thủ tướng nhấn mạnh, là địa phương nằm trong Vùng Thủ đô, cách Hà Nội khoảng 30 phút đi xe, Hòa Bình có lợi thế đặc biệt, cần tận dụng để phát triển.

“Con người, đất đai, núi đồi, sông nước, đặc biệt là văn hóa của đồng bào là thế mạnh để Hòa Bình phát triển lâu dài” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đề nghị tỉnh chú trọng phát triển thành một địa phương du lịch thực sự, khai thác tốt nguồn tài nguyên giàu có này. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ; phát triển công nghiệp địa phương.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo Hòa Bình chú trọng khâu hoàn thiện quy hoạch tầm cỡ, mang tính bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nhất là các khu vực như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Miếu Môn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tỉnh cũng cần có chương trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là những vùng có nguy cơ cao. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng giao EVN phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu vùng chân đập sông Đà bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân các vùng lân cận trong điều kiện cực đoan của thời tiết.

Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình khắc phục những tồn tại trong quản lý, điều hành, nhất là nâng cao chỉ số cạnh tranh; khắc phục bằng được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Về những kiến nghị của địa phương, Thủ tướng chỉ đạo phát huy tinh thần “cái gì phân cấp được cho địa phương thì để địa phương làm”. Thủ tướng đề nghị tỉnh chủ động rà soát, bãi bỏ các quy hoạch không còn phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; triển khai các dự án đầu tư phát triển và sản xuất - kinh doanh theo các tiêu chí sẵn có của pháp luật.

* Chiều 11-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, chứng kiến lãnh đạo tỉnh trao các quyết định đầu tư, ký kết Bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 94.000 tỷ đồng. Nhắc lại lần dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình cách đây 2 năm, khi đó, 22 dự án được cấp giấy phép và nay 18 dự án trong số này đã được triển khai, Thủ tướng đánh giá, các nhà đầu tư vào Hòa Bình đã nói và làm.

Thủ tướng gợi ý tỉnh tập trung vào 4 mũi nhọn kinh tế. Một là, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch. Hai là, phát triển nông, lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Hòa Bình có rất nhiều sản vật nông nghiệp địa phương, có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, hướng đi cho nông nghiệp ở Hòa Bình theo xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mục tiêu của ngành Nông nghiệp Hòa Bình trước hết là cung ứng cho vùng Thủ đô và sau đó hướng ra xuất khẩu. Ba là, phát triển công nghiệp địa phương trong những lĩnh vực giàu tiềm năng.

Thủ tướng cho biết, Hòa Bình đã được Chính phủ cho phép triển khai 8 khu công nghiệp. Hòa Bình cần hướng vào các ngành chế biến chế tạo nhằm giải quyết việc làm và không ảnh hưởng đến môi trường. Bốn là, phát triển đô thị là một động lực phát triển của Hòa Bình với những khu đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt nhất.

Theo Thủ tướng, đây cũng là gợi ý cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng lợi thế để phát triển tỉnh Hòa Bình theo hướng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.