(HNM) - Sông Nhuệ bị ô nhiễm bởi các loại nước thải chưa qua xử lý đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh lưu vực.
Sông Nhuệ ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Ảnh: Thái Hiền |
Ô nhiễm nghiêm trọng
Trục chính hệ thống thủy nông sông Nhuệ dài 74km, lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm) phục vụ nước tưới cho 67.000 ha đất canh tác của các địa phương xung quanh lưu vực sông. Thế nhưng, trong vòng 20 năm trở lại đây, con sông này "chết dần, chết mòn" vì bị lấn chiếm làm hẹp dòng chảy và ô nhiễm nặng do phải hứng chịu lượng lớn rác thải, nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện... chưa qua xử lý.
Đặc biệt vào mùa cạn, do không có nguồn bổ sung, đoạn từ Cầu Diễn đến cầu Đồng Quan nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Tại khu vực từ Cầu Tó, vào thời điểm tháng 11 hằng năm, thông số COD vượt 33,1 lần so với giới hạn cho phép, BOD5 vượt 48,4 lần, NH4 vượt 39,8 lần, hàm lượng comlifom vượt 36 lần... Cách Cầu Tó khoảng 2-3km, do phải tiếp nhận nguồn nước từ sông Tô Lịch và nước thải từ các làng nghề chế biến nông sản, chăn nuôi... nước sông luôn đen đục, các giá trị giới hạn cho phép tăng vọt. Đáng báo động nhất là khu vực Cầu Chiếc, đoạn qua thị trấn Văn Điển, nước thải từ khu dân cư, Bệnh viện Tâm thần TƯ, các nhà máy sản xuất phân lân, xà phòng, sơn, pin... đổ vào sông, gây ô nhiễm nặng.
Qua khảo sát, phần lớn người dân các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, quận Hà Đông phụ thuộc vào nguồn nước sông Nhuệ chảy qua địa bàn để tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Tại một số địa phương, vào mùa kiệt, từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, do thiếu nguồn nước, người dân sử dụng nước "bẩn" từ sông Nhuệ để tưới rau, thậm chí còn tận dụng mặt nước, đất đai ven sông để trồng rau...
Đâu là giải pháp hữu hiệu?
Để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường lưu vực sông Nhuệ, thành phố Hà Nội đang triển khai khá nhiều dự án xử lý ô nhiễm, trong đó có dự án Xây dựng trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp làng nghề tại xã Dương Liễu, công suất 13.000m3/ngày đêm; dự án Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề huyện Hoài Đức, công suất 12.000m3/ngày đêm; dự án Thí điểm xử lý nước thải làng nghề tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, công suất gần 300m3/ngày đêm... Đồng thời giao ngành nông nghiệp thực hiện dự án nạo vét, cải tạo trục chính sông Nhuệ, xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để kết hợp tưới, đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ khi cần thiết... Tuy nhiên, các dự án trên đang trong quá trình triển khai thực hiện, thời gian thi công kéo dài, kinh phí đầu tư lớn, khó có thể làm được ngay.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp Hà Nội đề xuất, trong ngắn hạn, thành phố nên tận dụng hệ thống thủy lợi có sẵn, vận hành các trạm bơm tưới Bá Giang, Đan Hoài và Hồng Vân đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ, một mặt cải thiện nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mặt khác góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo ông Nguyễn Trường Duy, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tại khu vực huyện Đan Phượng có hai trạm bơm nằm ở ngoài bãi sông Hồng. Trong đó, trạm bơm dã chiến Bá Giang lắp đặt 25 tổ máy đảm nhiệm bơm tưới cho trạm bơm Đan Hoài khi mực nước sông Hồng thấp, có thể nâng công suất trạm bơm này, đưa nước xuống sông Pheo theo kênh T1 về sông Nhuệ. Với 5 tổ máy của trạm bơm Đan Hoài hoàn thành vào cuối năm nay, nên vận hành liên tục phục vụ sản xuất và tiếp nguồn cho sông Nhuệ.
Tương tự, trạm bơm tưới Hồng Vân, huyện Thanh Trì nên vận hành cả 5 tổ máy đưa nước xuống sông Kim Ngưu chảy vào sông Nhuệ. Ông Duy cho rằng, với lượng cấp khoảng 20m3/s sẽ pha loãng nồng độ nước đậm đặc hiện tại, cải thiện ô nhiễm môi trường sông Nhuệ. Cũng chung quan điểm, ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề xuất, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc tiếp nước cho sông Nhuệ để phục vụ chống hạn và cải thiện nước sông phục vụ sản xuất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.