(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại lễ tổng kết dự án “Tầm soát và quản lý nguồn gen bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) trong cộng đồng” diễn ra chiều 12-1.
Tổ chức khám và tầm soát gen bệnh Thalassemia cho người dân tại Hòa Bình. |
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Thalassemia Việt Nam cho biết, tan máu bẩm sinh là một trong những căn bệnh về máu nguy hiểm. Theo ước tính, thế giới có khoảng 7% dân số mang gen bệnh. Ở nước ta có hơn 10 triệu người mang gen bệnh, trong đó có hơn 20.000 bệnh nhân đang phải điều trị. Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ sơ sinh mang gen bệnh Thalassemia.
Trong năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) phối hợp với Viện Huyết học và truyền máu trung ương, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tổ chức tầm soát miễn phí gen bệnh Thalassemia cho 543 người dân tại 2 xã Yên Lập, Yên Thượng (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Qua đó phát hiện 191 trường hợp nghi ngờ mang gen bệnh Thalassemia (chiếm 35,1%), trong đó phụ nữ chiếm số lượng cao hơn nam giới. Những trường hợp này cần thực hiện xét nghiệm điện di huyết sắc tố, xét nghiệm tìm đột biến gen… để có hướng điều trị phù hợp. Trong năm 2018, chương trình tầm soát và quản lý gen bệnh Thalassemia sẽ tiếp tục được thực hiện đối với học sinh tại các trường THPT của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, người mang gen bệnh Thalassemia vẫn có thể kết hôn, sinh con nhưng cố gắng xây dựng gia đình với người không mang bệnh thì tỷ lệ sinh ra những đứa con khỏe mạnh sẽ nhiều hơn. Nếu không theo dõi, quản lý và tầm soát bệnh kịp thời có thể dẫn đến các ảnh hưởng xấu về di truyền và sự phát triển của giống nòi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.