Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm huyết, quyết liệt đổi mới tư duy, hành động

Võ Lâm| 23/01/2016 06:55

(HNM) - Với tinh thần làm việc dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, trong ngày làm việc chính thức thứ hai đã có 22 ý kiến tham luận trực tiếp tại hội trường. Các tham luận đều thể hiện rõ tinh thần quyết liệt đổi mới và niềm tin vững chắc vào con đường đi lên của dân tộc.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN


Bảo vệ vững chắc Tổ quốc

Các ý kiến tham luận đã đề cập sâu đến những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với đất nước. Đó là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với hình thái, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động, nhất là khi cộng đồng ASEAN vừa hình thành, với ba trụ cột chính, sẽ tạo bước chuyển tích cực cả về chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa, nhưng đây cũng là nơi các cường quốc có sự cạnh tranh quyết liệt về chiến lược...

Trong bối cảnh như vậy, điểm chung của các tham luận là mong muốn xây dựng nước Việt Nam đoàn kết, ổn định, hòa bình và hữu nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh". Các giải pháp được đề xuất thể hiện tinh thần đổi mới quyết liệt. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cần phải thực hiện phương châm của Đảng là bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa"; tuân thủ nghiêm kế sách "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy". Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, phải tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở; xây dựng xã hội an toàn, kỷ cương, lành mạnh. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh khẳng định, tới đây, cần phải chuyển mạnh sang đối thoại, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ kiến nghị Trung ương có chủ trương đầu tư hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển. Về lâu dài, đầu tư xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để tạo động lực phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm an ninh quốc phòng.

Nhân tố tiên quyết

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cũng là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận với những đề xuất thể hiện tinh thần quyết liệt đổi mới. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần xác lập cụ thể hơn vai trò chủ thể của Nhà nước theo hướng Nhà nước đề ra những thể chế kiến tạo sự phát triển, nhất là kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đề ra các công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường hiệu quả, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội. Đồng chí Nguyễn Đức Chung đề xuất: Bên cạnh việc vận dụng thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong cả nước, cần tính đến đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Hà Nội sẽ nghiên cứu để thực hiện trong thẩm quyền hoặc đề xuất với Trung ương cho phép triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, thực hiện an sinh xã hội… nhằm tiên phong thực hiện thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đề nghị xem xét kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu trong đó chú trọng phát triển chiều sâu, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.

Trong phát biểu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là rất thẳng thắn, tâm huyết, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, nhìn vào tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới cấp bách hơn bao giờ hết. Cùng thời gian đổi mới của Việt Nam, Hàn Quốc đã từ nước có nền nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia có kinh tế phát triển. Đồng chí Bùi Quang Vinh kiến nghị: Đảng cần tiếp tục chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại, thực hiện nghiêm những nghị quyết mà Đại hội toàn quốc quyết định, kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ củng cố niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước, dân tộc.

Đổi mới từng khâu, từng việc

Các tham luận cũng thể hiện rõ, ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có những yêu cầu đổi mới đang đặt ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, ưu tiên đầu tư cho tuyến trung ương, tuyến tỉnh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đề nghị Trung ương cho phép trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung biên chế thẩm phán, công chức cho Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về thể chế cụ thể hóa Hiến pháp, thể hiện sự kiểm soát trong hoạt động tư pháp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định, cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là việc xây dựng "chính phủ điện tử" nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ góc độ người thực việc thực đảm trách nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu Trần Thị Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ kiến nghị, nên tiếp cận đào tạo nói chung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng như một "dịch vụ" chứ không đơn thuần là đào tạo theo nhiệm vụ chính trị của địa phương hay Trung ương.

Hôm nay 23-1, Đại hội XII tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về các văn kiện và các nội dung khác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm huyết, quyết liệt đổi mới tư duy, hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.