Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai nạn thương tích - nỗi lo ngày hè

Thu Trang| 05/06/2017 06:42

(HNM) - Dù liên tục được cảnh báo, nhưng trong khoảng một tháng trở lại đây, số trẻ bị tai nạn thương tích như ngã, bỏng, hóc dị vật, đuối nước… có xu hướng gia tăng.

Nhiều tai nạn rình rập

Đang chăm sóc con gái 20 tháng tuổi tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), chị Ngần (ở Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn không nguôi nỗi ân hận. Chị kể: "Hôm đó, tôi chuẩn bị nước nóng để pha sữa cho con gái. Cháu ở ngay cạnh, nhưng tôi không để ý. Thế rồi, rất nhanh, cháu nhúng cả bàn tay phải vào ấm nước nóng. Quá lo lắng, tôi tìm đến thầy lang gần nhà nhờ đắp thuốc chữa bỏng cho con. Vậy nhưng, 3 ngày sau bàn tay của cháu bị mưng mủ, sưng to nên tôi phải đưa đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ yêu cầu phải nhập viện điều trị vì vết thương bị nhiễm trùng quá nặng".

Sự quan tâm của người lớn sẽ góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn đuối nước dịp hè.
Ảnh: Đức Nghiêm


Những trường hợp thương tâm như trên không phải là hiếm gặp. Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), ngày hè, học sinh được nghỉ ở nhà và đây cũng là thời điểm mà số lượng trẻ nhập viện vì bỏng tăng lên. Các cháu thường bị bỏng nhiệt (nước sôi, cồn...), bỏng điện (do chạm vào các thiết bị dùng điện để phát sinh nhiệt). Khoa vừa tiếp nhận một bé trai 10 tuổi (ở Hà Nội) bị bỏng cồn. Khi bố nướng mực, con đứng gần nên bị lửa cồn bắt vào người. “Cứ đến hè là Khoa Bỏng luôn trong tình trạng kín chỗ, 60-70% bệnh nhân nằm viện là trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyễn Thống nói.

Tại Khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi trung ương), bác sĩ Phan Thị Hiền chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do bị hóc dị vật, thậm chí có tuần phải chữa cho 4-5 bé. Vật khiến trẻ bị hóc thường là đồng xu, cúc áo, hạt vòng, viên bi… Cá biệt, có một số trẻ còn nuốt cả những vật sắc nhọn như đinh vít, mẩu nhựa đồ chơi..., rất dễ gây thủng thực quản. Những trường hợp này đều ở trong độ tuổi từ 1 đến 3, luôn tò mò, thích khám phá mọi sự vật xung quanh. Khi người lớn bất cẩn, không giám sát chặt chẽ là các bé dễ bị tai nạn".

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy (Bệnh viện Nhi trung ương), mỗi năm Khoa Cấp cứu - Chống độc tiếp nhận từ 1.100 đến 2.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Vào mùa hè, các bác sĩ chứng kiến rất nhiều tai nạn thương tâm. Cháu thì uống nhầm thuốc diệt cỏ, cháu bị đuối nước trong bồn tắm, có cháu bị ngã khi chơi thả diều trên nóc nhà… Tai nạn xảy ra, hậu quả có thể ở mức độ nặng, nhẹ nhưng đều trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời các em, nỗi xót xa, day dứt luôn đeo đẳng phụ huynh.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cho rằng, tai nạn đáng chú ý trong dịp hè là đuối nước. Hiện tượng đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn thì rất khó cứu, có cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh, thậm chí trẻ phải sống thực vật. Trẻ không chỉ bị đuối nước ở sông, hồ, mà có thể gặp nguy hiểm với những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước, bồn tắm…

Trách nhiệm rất lớn của gia đình

Đề cập đến việc trẻ bị hóc do nuốt dị vật, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), hóc dị vật đường thở sẽ dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Trong vòng 3-4 phút, trẻ sẽ bị chết não và quá 10 phút thì không thể cứu chữa. Do đó, khi phát hiện trẻ hóc dị vật, cần ngay lập tức cho nạn nhân nằm sấp dọc trên tay của người lớn (nếu trẻ nặng thì đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng (chỗ giữa 2 xương bả vai) khoảng 5 cái để tạo áp lực lồng ngực, kích thích ho nhằm đẩy dị vật ra ngoài. Còn khi trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo liên tục - kể cả trên đường đến bệnh viện.

“Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức. Không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt xuôi ngực vì dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, thậm chí vào phổi” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.

Đối với trẻ bị đuối nước, theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, cần phải gọi người trợ giúp và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, sau đó kiểm tra xem trẻ có còn thở hay không để cấp cứu. Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được thì thực hiện “cấp cứu cơ bản” bằng cách ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé.

“Trong việc phòng tránh tai nạn thương tích, vai trò của cha mẹ và người chăm sóc trẻ là hết sức quan trọng. Các bậc phụ huynh không nên để trẻ đến gần những nơi nguy hiểm như bếp than, lò sưởi, thiết bị điện. Trẻ nhỏ hiếu động, thích leo trèo, vì thế, cầu thang phải có lan can, cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ. Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh kính... hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc như cúc áo, đồng xu, viên bi, hạt lạc…”, bác sĩ Lê Ngọc Duy nhấn mạnh.

Các bác sĩ cũng lưu ý, các gia đình có trẻ nhỏ: Không đựng thuốc tẩy, hóa chất, xăng, dầu vào các chai nước và phải để chúng xa tầm với của trẻ. Không để trẻ ở một mình khi gần bể bơi, ao, hồ, sông, suối… Cần giáo dục cho trẻ khả năng nhận biết các loại biển báo nguy hiểm (cấm lửa, cấm trèo…). Trẻ lớn cần được học bơi, kỹ năng thoát hiểm… Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức thực hành sơ cứu người bị tai nạn thương tích cho cha mẹ, giáo viên để có thể xử lý kịp thời nếu chẳng may xảy ra sự cố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai nạn thương tích - nỗi lo ngày hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.