Xã hội

Phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ dịp hè

Thu Trang 13/06/2024 - 06:30

Mặc dù được cảnh báo rất nhiều nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè, số ca tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ lại gia tăng. Năm nay, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, chỉ 2 tuần đầu của kỳ nghỉ hè, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn thương tích với các mức độ khác nhau.

Ðể kỳ nghỉ hè của trẻ an toàn và bổ ích, các bậc phụ huynh cùng cộng đồng xã hội cần dành sự quan tâm hơn nữa, giúp trẻ em tránh xa các mối nguy hiểm.

tap-boi.jpg
Dạy bơi cho trẻ tại bể bơi ở quận Long Biên. Ảnh: Nguyễn Quang.

Đủ kiểu tai nạn rình rập

Trong số những tai nạn thương tích mà trẻ gặp phải trong dịp hè, nhiều nhất phải kể tới đuối nước. Chỉ trong 1 tháng đầu hè, Bệnh viện Nhi trung ương đã liên tục tiếp nhận 5 ca đuối nước vào viện trong tình trạng rất nặng, nguy kịch. Điển hình như trường hợp của bé trai H.T (2 tuổi ở Hà Nội) không may bị ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2m của nhà hàng xóm. Theo camera ghi lại, khoảng 8 phút sau khi bị ngã xuống hồ, bé H.T mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở… Hay có trẻ bị đuối nước được người lớn dốc ngược lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở, làm mất “thời gian vàng” cấp cứu.

Cùng với đuối nước, Bệnh viện Nhi trung ương còn tiếp nhận bé trai T.A.T (11 tuổi ở tỉnh Cao Bằng) được cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, bị bỏng điện, đa chấn thương… Theo gia đình bệnh nhi, trước khi nhập viện, T.A.T cùng các bạn leo lên cột điện cao thế bắn chim, sau đó bị điện giật và ngã xuống đất bất tỉnh 15 phút. Bác sĩ Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bỏng điện là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ vào mùa hè, đặc biệt là ở vùng nông thôn, để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Trong dịp hè, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở trẻ cũng không ngừng gia tăng. Mới đây, Bệnh viện E đã cứu sống bé trai (12 tuổi ở Hà Nội) bị xe ba gác chở xi măng chèn qua người. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc đa chấn thương, sốc mất máu nặng... Nhận định đây là một ca đa chấn thương do tai nạn nghiêm trọng, bệnh viện đã kích hoạt “báo động đỏ”, huy động toàn bộ bác sĩ tham gia cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhi.

Tương tự, bé N.G.H (7 tuổi ở tỉnh Phú Thọ) cũng gặp tai nạn giao thông khi đang đạp xe trên đường và được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau đầu, nôn nhiều, nôn ra máu… Vào thời điểm trẻ nghỉ hè, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2024, tại bệnh viện này đã tiếp nhận gần 10 bệnh nhi nhập viện do tai nạn thương tích. Bác sĩ Đinh Văn Nghĩa, Khoa Ngoại nhi tổng hợp của bệnh viện lý giải, nguyên nhân chính gây tai nạn thương tích là do thời gian này, trẻ được nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng thiếu sự giám sát của gia đình và nhà trường. Bên cạnh đó, với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên trẻ càng dễ gặp tai nạn.

Thời điểm này, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương tiếp nhận nhiều trẻ bị hóc dị vật. Bác sĩ Nguyễn Thị Linh Chi, Khoa Mũi xoang của bệnh viện cho rằng, nhiều cha mẹ học các “mẹo chữa” trên Facebook hoặc các website không chính thống nên khi trẻ bị hóc dị vật vùng họng, hạ họng lại cố cho con nuốt thức ăn để trôi hoặc khạc nhổ dị vật làm cho tổn thương đi sâu hơn và phù nề hơn…

Các biện pháp phòng, tránh

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Do đó, để phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ, bác sĩ Đinh Văn Nghĩa (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) khuyến cáo, cha mẹ cần cảnh giác, không được lơ là, phải để mắt đến trẻ, tránh xa những mối nguy hiểm hoặc vật dụng có thể gây tai nạn. Mặt khác, gia đình cần quan tâm và dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng tránh các mối nguy hiểm, rủi ro, có ý thức tự bảo vệ mình. Thậm chí, cha mẹ cũng cần nắm một số cách sơ cứu cơ bản để áp dụng vào từng trường hợp, mức độ thương tích. Khi trẻ không may bị tai nạn, cha mẹ không nên tự điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở… Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã. Với các trẻ lớn hơn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không vượt đèn đỏ, không đi bộ dưới lòng đường hay băng qua đường bất ngờ, không đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường…

Bên cạnh đó, để đề phòng những sự cố đáng tiếc về tai nạn bỏng điện sinh hoạt và bỏng điện cao thế có thể xảy ra trong kỳ nghỉ hè, theo bác sĩ Phùng Công Sáng (Bệnh viện Nhi trung ương), các bậc phụ huynh cần đặt nắp an toàn trên tất cả ổ cắm điện, để dây điện xa tầm tay trẻ. Bên cạnh đó, các thiết bị điện cần tránh sử dụng trong phòng tắm hoặc bồn tắm; luôn luôn rút sạc điện thoại ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng. Tuyệt đối không cho trẻ vui chơi tại các khu vực có điện lưới, trạm điện, đường điện cao thế, đặc biệt là trong những ngày trời mưa ẩm.

xuan-tai.jpg

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài:
Phổ cập dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước

Sau lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước thành phố Hà Nội năm 2024, nhiều quận, huyện, thị xã cũng đã triển khai tốt các chương trình dạy kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước mang lại hiệu quả cao như quận Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mỹ Đức…

Trong những năm qua, chương trình tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước đồng loạt được triển khai trên toàn thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn 2018-2022, hơn 600 lớp dạy kỹ năng bơi, huấn luyện cứu đuối... đã được tổ chức, thu hút hơn 20.000 học sinh tham gia. Qua các khóa học, 19.400 em học sinh đã biết bơi.

Có được kết quả này là do thành phố Hà Nội liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên ở cơ sở; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, trường học thường xuyên duy trì tổ chức dạy bơi, phổ biến, tuyên truyền về kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

anh-tu.jpg

Chuyên gia tâm lý, nhà văn Hoàng Anh Tú:
Hãy xây dựng thói quen đọc sách cho con

Trong dịp hè, việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho các con có vai trò quan trọng của bố mẹ. Thứ đứa trẻ quan tâm hơn cả chính là sự có mặt của cha mẹ. Chúng ta luôn hấp dẫn hơn những thiết bị điện tử. Phần đông những đứa trẻ dính chặt lấy các thiết bị điện tử là bởi chúng quá cô đơn, là bởi cha mẹ chưa bao giờ chịu lắng nghe chúng. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn ham mê thiết bị điện tử hơn cả con.

Để con cái rời khỏi thiết bị điện tử thì cha mẹ cần “có mặt” với con. “Có mặt” ở đây tốt nhất vẫn là có mặt theo nghĩa đen, là cha mẹ chơi cùng con. Nhưng vì chúng ta đều bận rộn nên “có mặt” còn được hiểu theo nghĩa bóng. Là lên lộ trình, kế hoạch cùng con, cha mẹ “có mặt” trong việc chuẩn bị, khích lệ, ghi nhận và trao thưởng. Với lũ trẻ, mọi thứ cần phải là những trò chơi, thách thức và có được sự cổ vũ nhiệt tình của cha mẹ. Nhằm giúp các con có thêm nhiều niềm vui, cha mẹ hãy xây dựng thói quen đọc sách cho con.

bich-lien.jpg

Hiệu trưởng Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An Trần Thị Bích Liên:
Kiên trì giáo dục cách phòng, tránh tai nạn

Giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn cho trẻ em không chỉ ngày một ngày hai. Với Trường Tiểu học Tràng An, từ trong năm học, chúng tôi liên tục tổ chức các tiết sinh hoạt dưới cờ vào các thứ hai đầu tuần nhằm phổ biến các kỹ năng sống cho học sinh.

Nhằm giúp học sinh tiếp cận các kỹ năng một cách dễ dàng hơn, nhà trường thường xuyên phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, các chuyên gia để hướng dẫn thực hành và phổ biến cho các em học sinh về kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Bằng các hình thức sinh động, với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và gắn với đặc điểm của địa phương…, Công an quận Hoàn Kiếm đã giúp học sinh Trường Tiểu học Tràng An hiểu rõ hơn về những nguyên nhân và thực hành các kỹ năng cơ bản khi bị tai nạn đuối nước hay khi xảy ra cháy nổ. Những buổi hướng dẫn thực hành và phổ biến kiến thức đã giúp các em nâng cao ý thức phòng tránh những tai nạn thương tích thường gặp.

Tuyết Minh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ dịp hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.