Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái định cư phải thật an cư!

Đình Hiệp| 09/04/2018 05:58

(HNM) - Việc quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư thời gian qua còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cư dân và tiến độ nhiều dự án phát triển...


Theo Luật Nhà ở hiện hành, đối với nhà tái định cư, chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì nhà ở; trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu thì người quản lý, sử dụng có trách nhiệm bảo trì... Mặc dù các đơn vị quản lý có nhiều cố gắng, thành phố đã bố trí nhiều khoản hỗ trợ từ ngân sách, song do một số tòa nhà chung cư tái định cư không có quỹ bảo trì (do xây dựng trước khi có luật), hoặc có nhưng rất ít (do tính theo tỷ lệ 2% trên giá trị căn hộ - có giá trị thấp để phù hợp với đối tượng tái định cư)... nên công tác quản lý, vận hành loại hình nhà ở này chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân.

Một trong những bất cập lớn hiện nay là nhiều chung cư tái định cư không thành lập được Ban Quản trị. Theo quy định, các tòa tái định cư được Nhà nước hỗ trợ công tác quản lý, vận hành (người dân chỉ phải nộp 30.000 đồng/tháng), nên việc lập Ban Quản trị với cơ chế tự chủ khiến người dân sẽ phải đóng góp nhiều hơn.

Khi Ban Quản trị chưa được thành lập thì việc huy động kinh phí 2% cho bảo trì và các nguồn đóng góp của chủ sở hữu theo quy định để sửa chữa hư hỏng như thang máy, thiết bị dùng chung… không khả thi. Trong khi đó, các văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể mang tính đặc thù với loại hình nhà ở này khiến việc vận hành, bảo trì gặp nhiều khó khăn. Đây là lý do khiến chung cư tái định cư xuống cấp từng ngày và không ai khác các cư dân phải chịu thiệt thòi trước tiên.

Để siết lại công tác quản lý, vận hành, sử dụng chung cư tái định cư TP Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng tổng rà soát, phân loại quỹ nhà tái định cư; đồng thời đề xuất quy trình, quy định, chi phí vận hành, quản lý đối với từng nhà, từng khu cho phù hợp nguồn gốc hình thành. Thế nhưng, ghi nhận của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội trong buổi giám sát mới đây cho thấy, những tồn tại trên vẫn chưa có hướng giải quyết.

Những vướng mắc trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do chưa phân định được trách nhiệm, quyền hạn của các bên tham gia quản lý chung cư và người sử dụng. Vì thế, đã đến lúc phải thống nhất quan điểm: Đã là chung cư, dù thương mại hay tái định cư thì việc vận hành, quản lý phải thống nhất như nhau. Với chung cư tái định cư, những ưu tiên của Nhà nước đã được thực hiện trong giai đoạn hỗ trợ, đền bù và bán nhà, nên người mua nhà cần cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, bảo trì khi sử dụng.

Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Ban Quản trị, chủ đầu tư tòa nhà chưa thực sự hiệu quả. Bởi một số chung cư tái định cư đã thành lập Ban Quản trị, nhưng mối liên hệ giữa 3 bên không tốt nên việc quản lý, vận hành chưa thể phát huy hiệu quả, gây bức xúc trong cư dân.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xây dựng chế tài, có quy chế phối hợp chặt chẽ, rõ ràng giữa các bên để công tác quản lý tốt hơn. Cùng với đó, thành phố nên xem xét ban hành cơ chế tài chính đặc thù, hỗ trợ các nhà chung cư tái định cư trong công tác quản lý và bảo trì, đặc biệt với những tòa nhà mà kinh phí bảo trì không có hoặc rất ít.

An cư, lạc nghiệp. Để người dân tại các chung cư tái định cư thực sự an cư, các cơ quan chức năng phải vào cuộc tích cực hơn, làm tròn trách nhiệm của mình! Về phía cư dân, cũng phải có thái độ hợp tác, phối hợp để cùng nâng cao chất lượng cuộc sống. Có vậy, chỗ ở mới thực sự là nơi an cư. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái định cư phải thật an cư!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.