Sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo việc cổ phần hóa ngay cả với những
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt phát biểu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được phát đi. Cùng với đó, là những động thái cụ thể để triển khai tái cơ cấu tại từng doanh nghiệp.
Từ cam kết…
Có thể nói, chưa bao giờ Chính phủ đưa ra những cam kết mạnh mẽ và liên tục như vậy trước công luận về quyết tâm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa.
Trước tiên, phải nhắc đến Thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng. Dành rất nhiều sự quan tâm cho tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thông điệp nhấn mạnh phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế.
Những nội dung này tiếp tục được nhắc lại trong văn bản Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và khi dự các Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm mới của các bộ, ngành. Sau Hội nghị của Bộ Giao thông vận tải, nhiều tờ báo đã nhắc tới yêu cầu “thay lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa”, "không làm được thì mời các đồng chí thôi việc" như là sự chỉ đạo quyết liệt nhất của lãnh đạo Chính phủ cho tới nay về vấn đề này.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục là một chủ đề trọng tâm trong buổi làm việc ngày 22/1 giữa Thủ tướng Chính phủ với các chuyên gia kinh tế. Thủ tướng khẳng định năm nay, Chính phủ quyết tâm tạo bước chuyển rõ nét trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, và tới 2015 sẽ cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp.
Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia kinh tế như GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đánh giá cao quyết tâm này của Chính phủ, như một tín hiệu tích cực không chỉ với thị trường mà còn với triển vọng dài hạn của nền kinh tế.
… đến hành động
Chuẩn bị cho một năm 2014 tập trung vào thực hiện cổ phần hóa, cuối năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 189/2013/NĐ-CP. Có hiệu lực từ ngày 15/1/2014, Nghị định này điều chỉnh, bổ sung hàng loạt vấn đề liên quan và đưa ra giải pháp tháo gỡ cho nhiều bất cập, vướng mắc lâu nay cho việc cổ phần hóa, như xác định giá trị quyền sử dụng đất, đối chiếu công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp, quy định tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp đã cổ phần hóa theo cơ chế trước đây gặp vướng mắc về việc tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp…
Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa gần 10 tổng công ty, trong đó có những tên tuổi như các CIENCO. Con số này hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi nhiều bộ, ngành đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, kể cả với những doanh nghiệp thuộc loại “khủng” mà việc cổ phần hóa đã được nhắc đến từ lâu song còn chậm trễ. Đơn cử, đó là Bộ Giao thông vận tải với Vietnam Airlines, là Bộ Thông tin và Truyền thông với Mobifone…
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được tiến hành trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn. Phải thừa nhận một thực tế là trong một số năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã “vin” vào những khó khăn chung của nền kinh tế để biện hộ cho sự chậm trễ trong công tác này. Nhưng sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo cổ phần hóa ngay cả với những "con gà đẻ trứng vàng", như Mobifone, cho thấy cổ phần hóa có mục đích rộng hơn, chứ không chỉ để “xử lý” những doanh nghiệp làm ăn bết bát như nhiều người vẫn tưởng.
Có thể nhận thấy quan điểm này của Chính phủ về cổ phần hóa, về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nếu trở lại các thông điệp của Thủ tướng trên nhiều diễn đàn khác nhau. Tái cơ cấu không phải chỉ nhằm giải quyết khó khăn cho từng doanh nghiệp cụ thể trong từng thời điểm cụ thể, mà còn muốn tạo ra những điều kiện thể chế mới cho hoạt động của mọi doanh nghiệp, trên cơ sở những quan điểm, nhận thức mới về vai trò, vị trí của doanh nghiệp Nhà nước.
Cụ thể hơn, đó là xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Đó là thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Đó là doanh nghiệp Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Đó là tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích…
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chúng ta cũng đã có không ít bài học đắt giá về đội ngũ này. Điều đáng mừng là giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại của doanh nghiệp Nhà nước (ở đây chỉ nói đến những hạn chế, tồn tại có nguyên nhân từ thể chế) đã được xác định khá rõ ràng. Cam kết và hành động của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã củng cố thêm niềm tin vào quyết tâm đột phá thể chế được khẳng định trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, vốn đang được người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.