Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: “Đại phẫu” toàn diện

Gia Bình - -Đức Anh| 28/01/2012 08:44

(HNM) - Không nhiều biến động, không có sự bứt phá là những nét chính về thị trường chứng khoán trong suốt năm qua. Nếu các chỉ số tăng điểm một phiên thì lại có 2 phiên tiếp theo mất điểm mạnh, khiến các chỉ số rơi từ

Không nhiều biến động, không có sự bứt phá là những nét chính về thị trường chứng khoán trong suốt năm qua. Nếu các chỉ số tăng điểm một phiên thì lại có 2 phiên tiếp theo mất điểm mạnh, khiến các chỉ số rơi từ "đáy" này xuống "đáy" khác. Bởi vậy, giờ đây nhà đầu tư không còn muốn nhắc đến "đáy" của thị trường. Sự lình xình của thị trường trong suốt cả năm 2011 làm những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất cũng phải nản. Nếu như vài năm trước, người người, nhà nhà chơi chứng khoán, ở bất cứ đâu, từ "cổ phiếu" cũng được nhắc đến, từ công sở, đến quán cà phê, thì nay cổ phiếu lại là từ nhà đầu tư tránh nhất. Cũng không phải ngẫu nhiên họ chán đến vậy. Cuối năm 2010, các chuyên gia, nhà đầu tư đều kỳ vọng về tương lai sáng sủa của thị trường, nhưng trong suốt năm 2011, thị trường không những "dậm chân tại chỗ" mà càng hoạt động càng xuống dốc. Từ ngưỡng gần 500 điểm, VN-Index lùi dần để còn hơn 370 điểm trong phiên cuối năm, HNX-Index mất đến 50 điểm, về ngưỡng 58,44 điểm.


Thị trường chứng khoán năm 2011 bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: Khánh Nguyên

Nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu để "chạy". Tính thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh, giá trị giao dịch bình quân trong năm chỉ bằng khoảng 40% mức bình quân của năm 2010, giá trị giao dịch mỗi phiên đạt khoảng 500-600 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 so với thời kỳ "đỉnh", với giá trị giao dịch lên tới 5.000 tỷ đồng/phiên.

Thị trường trượt giảm, giá cổ phiếu "rớt" mạnh, với hơn 60% cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn có giá dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng/cổ phiếu), thậm chí có những mã cổ phiếu rẻ hơn cả mớ rau ngoài chợ, chỉ còn được giao dịch ở giá 1.000-2.000 đồng/cổ phiếu. Thời cổ phiếu "leo" lên 200-300 nghìn đồng/cổ phiếu, thậm chí hơn 300 nghìn đồng/cổ phiếu không còn. Những mã cổ phiếu được coi là "vua" của một thời như cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... cũng lao dốc không phanh.

Năm Tân Mão đã đi qua, năm Nhâm Thìn đã tới, hầu hết nhà đầu tư đều kỳ vọng thị trường sẽ sáng sủa hơn. Song, để thị trường có thể phát triển ổn định trong tương lai, để chỉ số VN-Index sớm lấy lại mốc 500 điểm, hay cao hơn nữa là 1.000 điểm, thị trường rất cần một cuộc "đại phẫu". Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định, năm 2012, cơ quan này sẽ thực hiện đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, hoàn thiện hệ thống pháp luật cơ chế, chính sách nhằm duy trì sự ổn định của thị trường, khôi phục lại vị thế của thị trường chứng khoán.

Nhiều biện pháp mạnh được triển khai

Theo các chuyên gia, mục tiêu của việc tái cấu trúc là tạo ra một hệ thống thị trường, trong đó các loại chứng khoán đều có nơi giao dịch và việc giao dịch được diễn ra công khai, minh bạch, với sự giám sát có hiệu quả của Nhà nước. Để việc tái cấu trúc TTCK đạt hiệu quả, mới đây ngành chức năng đã đưa ra kế hoạch xây dựng đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK). Ðề án thực hiện trong 2 giai đoạn (từ năm 2012-2013 và 2013-2015). Trong đó, giai đoạn 1 triển khai qua 2 bước. Từ nay đến ngày 1-4-2012, rà soát về chỉ tiêu an toàn tài chính và đưa ra biện pháp xử lý với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính... Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, từ ngày 1-4-2012 sẽ phân loại CTCK thành những nhóm cụ thể để có giải pháp ứng xử với từng nhóm, trên cơ sở chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra "sức khỏe" tài chính của các CTCK nhằm cân nhắc cho tồn tại hay thu hẹp, bởi với số lượng 105 CTCK đang hoạt động là quá nhiều. Khi có kết quả xử lý các công ty không bảo đảm an toàn tài chính, giai đoạn 2 sẽ tập trung tái cơ cấu toàn bộ CTCK theo các tiêu chí nâng cao năng lực quản trị và khả năng nhận diện, xử lý rủi ro... để quý II-2012 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án...

Tái cấu trúc TTCK là điều mà nhà đầu tư rất mong đợi. Tuy nhiên, phải tăng cường quản trị rủi ro tại CTCK. Trong chương trình triển khai các giải pháp với TTCK, các quy định về việc tách bạch tài khoản của nhà đầu tư, ra các sản phẩm mới, quy định về quỹ mở… sẽ là những thông tin tốt cho thị trường. Hiện tại cần lấy lại lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường, trong đó có việc ổn định của kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, giảm lãi suất để DN vượt qua khủng hoảng và phát triển ổn định. DN niêm yết trên sàn cần minh bạch thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để hạn chế được các rủi ro... Đặc biệt, cần xem CTCK như ngân hàng, phải đưa ra các bộ quy chuẩn buộc công ty tuân theo để bảo đảm tính an toàn cho hệ thống. Vì thực chất CTCK cũng thực hiện hoạt động huy động, cho vay. Nếu không kiểm tra và đưa ra quy định như ở ngân hàng sẽ không thấy rõ được các công ty này đang làm gì, dòng tiền dịch chuyển ra sao. Điều này sẽ dễ dẫn đến sự mất thanh khoản mà các CTCK đang gặp phải, làm cho thị trường bị méo mó. Nên chăng trong quá trình tái cấu trúc chỉ để cho CTCK thực hiện môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn DN thuần túy. Quá trình này sẽ tự đào thải các CTCK, bởi những CTCK lúc này còn bị cạnh tranh với các quỹ đầu tư, vì quỹ đầu tư có chức năng quản lý danh mục đầu tư và cũng sẽ tư vấn cho tổ chức, cá nhân đầu tư như CTCK. Sự cạnh tranh này tất yếu đào thải các CTCK nhỏ mà không ảnh hưởng đến hệ thống thị trường và quyền lợi của nhà đầu tư... Hy vọng TTCK sẽ hoạt động hiệu quả, khẳng định là kênh hữu hiệu huy động vốn để phát triển KT-XH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: “Đại phẫu” toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.