Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tắc kè hoa hiền lành

Quỳnh Anh| 13/03/2021 15:22

(HNMCT) - “Số mệnh luôn chuẩn bị cho chúng ta nhiều lối rẽ” - câu nói đó có lẽ đúng với Văn Thành Lê. Chàng trai xứ Thanh này tốt nghiệp khoa Sinh học của Đại học Sư phạm Huế. Sau khi rời giảng đường, thầy giáo trẻ hăm hở tới Bà Rịa - Vũng Tàu để đồng hành cùng phấn trắng, bảng đen. Thế nhưng ngọn lửa văn chương trong anh vẫn luôn hồng đượm.

Ban đầu, Văn Thành Lê chỉ viết cho vui, như để thỏa đam mê của mình với con chữ, như là một cuộc chơi của kẻ ngoại đạo. Thế nhưng, càng viết anh càng nhận ra rằng mình đã bị văn chương “bỏ bùa”. Sau bốn năm theo nghề giáo, anh rời bục giảng đến công tác tại Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, Văn Thành Lê lại đầu quân cho NXB Kim Đồng. Chàng trai ấy đi muôn phương cũng chẳng thể rời xa chữ nghĩa.

Với Văn Thành Lê, văn chương là một cuộc chơi và anh sẽ vui tới phút cuối cùng. Cây bút 8x này thử sức với thơ, truyện ngắn, truyện dài và cả các bài ký chân dung văn học. Anh giành được tình cảm của độc giả qua những tập truyện ngắn mang đậm hơi thở cuộc sống như “Con gái tuổi Dần”, “Biết khi nào mưa thôi rơi”, “Không biết đâu mà lần”. Muôn mặt của đời sống, những sắc thái hỷ - nộ đan xen được Văn Thành Lê khéo léo đem vào tác phẩm một cách tự nhiên.

Anh không đem tới cho độc giả những truyện ngắn có cốt truyện phức tạp, mang nhiều tình tiết bất ngờ nối tiếp nhau. Sáng tác của Văn Thành Lê thể hiện bức tranh muôn màu của nội tâm, là nơi nhân vật đối thoại với bản thân để tìm ra lối thoát trước những khó khăn của cuộc sống. Giọng kể mang phong thái chậm rãi, thủ thỉ như lời tâm sự khiến người đọc bị lôi cuốn một cách từ từ, nhưng rồi lại chẳng thể dứt ra khỏi trang sách.

Đọc tác phẩm của Văn Thành Lê, chúng ta nhận ra chân dung của một người thích đùa. Anh luôn dùng những câu văn đầy ý nhị pha chút châm biếm, hài hước để nói về những thói xấu của con người trong xã hội hiện đại. 

Gai góc, châm biếm là thế, vậy mà khi đọc những sáng tác của Văn Thành Lê dành cho tuổi hoa, bạn đọc có cảm giác như gặp một con người khác, lột xác hoàn toàn về giọng kể, bút pháp miêu tả và cách tiếp cận đề tài. Khi viết cho bạn đọc nhỏ tuổi, Văn Thành Lê với lối kể chuyện hóm hỉnh, lý lắc và đầy hồn nhiên đã thành công khi “nhập vai” một đứa trẻ để kể những câu chuyện thú vị của tuổi ấu thơ. Cho đến nay anh đã có 4 tác phẩm dành cho thiếu nhi: "Ông mặt trời và mùi hương của mẹ", "Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu", "Trên đồi, mở mắt và mơ", và mới đây nhất là "Bên suối, bịt tai nghe gió".

Văn Thành Lê tâm sự: Những năm tháng đứng trên bục giảng đã thôi thúc anh phải viết gì đó cho bạn đọc nhỏ tuổi. Hình ảnh những gương mặt ngây thơ, non nớt vui vẻ nô đùa luôn mang đến cho nhà văn xúc cảm trong trẻo. Viết cho độc giả nhỏ tuổi, anh luôn hướng tới những cốt truyện giản dị nhưng chứa đựng bài học giàu ý nghĩa. Để từ đó, con trẻ học cách yêu thương, sẻ chia, trân trọng tình cảm gia đình, tình bạn.

Theo Văn Thành Lê, tiếng cười, sự vui nhộn, hài hước là những yếu tố rất quan trọng khi sáng tác cho lứa tuổi hoa. Những bài học đạo đức rất quan trọng, nhưng người viết phải lồng ghép nó vào câu chuyện một cách khéo léo. Viết cho trẻ nhỏ không thể mang nặng tính giáo điều mà trước hết, phải dùng tiếng cười để lôi kéo các em tới gần hơn với trang sách. Người cầm bút phải hiểu tâm lý, phải đặt mình vào vị trí của con trẻ và bắt đầu học cách thấu hiểu chúng. Đừng vội đặt nặng chuyện con trẻ sẽ học được điều gì sau khi đọc xong một câu chuyện. Trước hết, văn chương phải "mua" được nụ cười của trẻ thơ.

Nhà văn Văn Thành Lê tên thật là Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Là người luôn nỗ lực đổi mới chính mình, Văn Thành Lê đã thử sức ở nhiều thể loại với hàng loạt tác phẩm: “Hình như là tình yêu”, “Trạm điện thoại ở thiên đường”, “Châu lục thứ 7”, “Ngày xưa chưa xa”, “Thừa ra một người”, “Như cánh chim trong mắt của chân trời”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tắc kè hoa hiền lành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.