(HNM) - Nói to, nói tục, chửi bậy; khạc nhổ, xả rác bừa bãi; thả rông vật nuôi không rọ mõm, không xích… nơi công cộng. Rồi điềm nhiên đi lại, chạy nhảy ở những chỗ có biển “Không giẫm lên cỏ”, phì phèo nhả khói ở những nơi có biển “Không hút thuốc”.
Có bao nhiêu nguyên nhân dẫn đến hệ lụy này? Hà Nội, vốn là nơi hội tụ, và giờ đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cùng với đô thị hóa là các dòng di cư và chuyển dịch không gian cư trú cả diễn ra theo quy hoạch, cả tự phát. Tự nhiên như về Hà Nội - so sánh ấy cho ta thấy một Hà Nội rộng rãi, hào hiệp đón nhận các luồng dân cư tìm về. Gắn liền với đó là tập tục, tập tính, thói quen của người dân vốn ăn sâu tiềm thức vùng đất chôn nhau cắt rốn. Và cũng gắn liền với đó là không ít thói hư, tật xấu, như đã kể ở trên.
Thứ nữa, cũng chưa bao giờ Hà Nội, cùng các địa phương khác trên cả nước, lại “mở” như bây giờ: “Mở” về giao lưu, tiếp nhận văn hóa; “mở” về không gian tri thức… Đặc biệt, những thành tựu của kỷ nguyên 4.0, mà trước hết là không gian mạng một mặt góp phần quảng bá Hà Nội với bạn bè thế giới, mặt khác là kênh trung chuyển các giá trị văn hóa tới Hà Nội. Bên cạnh mặt tích cực là không ít yếu tố tiêu cực, tác động tới một bộ phận không nhỏ người dân, tới nếp sống, lối ứng xử, nhất là với giới trẻ.
Và, như đã từng được “nhận diện”, đó là những mặt trái của cơ chế thị trường.
Vì thế, có thể thấy ý nghĩa to lớn và chiều sâu văn hóa qua quyết định của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Để gạn đục, khơi trong, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, việc đưa các quy tắc vào đời sống có ý nghĩa quan trọng. Có nhiều cách để truyền tải những nội hàm của quy tắc đến với cộng đồng mà việc tổ chức Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP Hà Nội, với vòng sơ khảo vừa khép lại, được đánh giá tích cực với hiệu quả bước đầu rõ nét.
Vấn đề ở chỗ, hội thi có tính kỳ cuộc, nghĩa là không thể làm hằng ngày, hằng giờ. Nhưng rõ ràng, hiệu ứng từ hội thi là một gợi mở cho những giải pháp tương tự: Đa dạng hóa hình thức tổ chức hội thi hơn nữa; lồng ghép tuyên truyền quy tắc với các sinh hoạt tại các địa bàn dân cư.
Ngoài tổ chức hội thi, các hình thức tuyên truyền khác như viết, ảnh, hội họa... là cách làm cũng cho thấy rõ hiệu quả. Những thông điệp thông qua các hình thức này không chỉ đến với người dân nhiều hơn mà cũng kịp thời hơn, thấm sâu hơn.
Điều quan trọng nữa, quy tắc ứng xử không chỉ cần được “mang đến”, nhân rộng, tác động trực tiếp đến người lớn mà đặc biệt cần hướng tới con trẻ. Và trong khi tuyên truyền, giáo dục con trẻ thì chính người lớn phải làm gương, với những “thị phạm” mẫu mực.
Dòng chảy văn hóa là một quá trình dung nạp, chắt lọc, tiếp biến. Những hiện tượng này nọ, nhìn không vừa mắt, nghe không vừa tai... rồi sẽ bị đào thải. Nét đẹp ứng xử của mỗi công dân, của cả cộng đồng sẽ luôn là mảng màu chủ đạo của bức tranh đời sống. Quá trình đào thải, chắt lọc để bồi đắp thêm cho cốt cách Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra nhanh hơn nếu mỗi người đều tự ý thức phần mình trong đó.
Các hội thi hay hình thức tuyên truyền khác có tác dụng to lớn và lâu dài để định hướng, tạo kết quả và gìn giữ ý thức đúng cho người dân trong quá trình ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.