Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tắc” dự án thoát nước, vì sao?

Thiện Mỹ| 20/04/2016 05:47

(HNM) - Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 với mục tiêu giảm úng ngập cho khu vực đô thị lõi là một trong những dự án trọng điểm của thành phố phải hoàn thành vào cuối năm 2015. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục vẫn đang ngổn ngang, nhiều gói thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân trong khu vực dự án. Dự án

Người dân không có lối vào nhà ở Ngõ 360 Xã Đàn.


Hơn nghìn ngày, gần 1km cống hóa vẫn dở dang

Giữa lòng Thủ đô, đoạn Ngõ 360 phố Xã Đàn vẫn "vật vã" với cảnh nhếch nhác nhiều năm qua. Có mặt tại đây vào những ngày giữa tháng 4, chúng tôi chỉ thấy một máy xúc đang ì ạch san gạt, cách đó một đoạn ngắn, 6 công nhân đang thi công phần cống gom. Được biết, đoạn cống hóa này dài chưa đến 1km đi qua địa bàn các phường Thổ Quan, Phương Liên, Trung Phụng (Đống Đa). Theo người dân phản ánh, năm 2008 đã có quyết định thu hồi đất và năm 2013 bắt đầu lắp đặt cống hộp nhưng các phần việc không thi công đồng bộ và dứt điểm nên toàn tuyến bị "băm nát", lúc nào cũng trong tình trạng ngổn ngang… Từ mặt cống hộp đến cốt nền nhà dân chênh nhau cả mét khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người phải bê xe mới vào được nhà. Đặc biệt, những hộ đang xây nhà thì vất vả vô cùng vì thiếu mặt bằng xây dựng, đường đi lối lại không có. Chưa kể, nước cống bốc mùi tra tấn người dân năm này qua năm khác. Một người dân ở Tổ 10, phường Trung Phụng cho biết: Khi nạo vét cống, đơn vị thi công không đóng cọc cừ, nhà tôi bị sụt, sạt nhưng họ chẳng có ý kiến gì, chỉ lấp cát qua loa?

Hạng mục cống hóa ở Ngõ 10 đường Tôn Thất Tùng đi qua các phường Khương Thượng, Trung Liệt, Trung Tự (Đống Đa) cũng chung tình trạng như vậy. Tại Ngõ 10, đơn vị thi công đang đào một hố lớn, sát nhà dân. Một tấm phản rộng khoảng 50cm vắt ngang hố để làm đường đi tạm, người đi xe đạp phải xuống dắt bộ nhưng vẫn khó bảo đảm an toàn. Giữa lòng ngõ, những đống sắt chềnh ềnh, kèm theo một tấm biển vô cảm "Không đi được" viết nguệch ngoạc bằng phấn trắng. Nhiều người không hiểu tấm biển thông báo cho loại phương tiện nào nên khi đến "hố tử thần" mới ngao ngán quay đầu xe. Khổ nhất là những người phụ nữ chở con nhỏ phía sau chệnh choạng quay xe giữa đoạn đường lổn nhổn đất đá, sắt thép - tình trạng đã tồn tại cả tháng nay.

Về sự dở dang tại công trình Ngõ 360 Xã Đàn, ông Nguyễn Thành Trường, Chủ tịch UBND phường Thổ Quan cho biết: Trước đây, Ngõ 360 chỉ là một con mương quanh năm bốc mùi xú uế, tại đây không có đường đi. Khi dự án triển khai, người dân rất mừng vì cuộc sống của họ sẽ được cải thiện đáng kể về môi trường và giá trị sử dụng đất tăng cao. Sau khi dự án hoàn thành, mương ô nhiễm được thay thế bằng một con đường có chiều rộng đến 17m. Triển khai chậm vì riêng phường Thổ Quan còn 2 trường hợp chưa giải phóng được mặt bằng.

Trong khi đó, vướng mắc tại vị trí thuộc phường Trung Liệt lại là phải "cắt, chặt" một phần công trình nhà tập thể 2 tầng A13 (thuộc Trường Đại học Thủy lợi). Ông Nguyễn Đức Chính, cán bộ địa chính phường Trung Liệt cho biết thêm: Dự án qua địa bàn phường Trung Liệt có 12 trường hợp thuộc diện GPMB. Các chủ thể đã nhận đền bù, bàn giao mặt bằng. Nhà A13 là tập thể cũ, khi tháo dỡ phải có phương án phá dỡ do cơ quan chức năng thẩm định. Chủ đầu tư (CĐT) đã lập phương án phá dỡ và gửi Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa thẩm định từ khoảng tháng 5-2015, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nên chưa phá dỡ được. Chưa kể, một số trường hợp khác chưa giải phóng được mặt bằng.

Không vướng mặt bằng, thi công vẫn ì ạch

Cùng sống trong cảnh thi công cầm chừng, nỗi bất bình của các hộ dân ở Tổ dân phố (TDP) 24, 26, 27 phường Phương Mai (Đống Đa) cũng đã chất chồng gần nghìn ngày nay. Bà Đặng Thị Liên, Tổ phó TDP 27 nói với chúng tôi: Ngày 10-8-2013, bên dự án đến thông báo với TDP là 15-8-2013 sẽ khởi công hạng mục cống hóa Phương Mai và đến ngày 30-4-2014 sẽ hoàn thành; đơn vị thi công mong bà con tạo điều kiện để triển khai suôn sẻ. Phấn khởi vì công trình sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của khu dân cư, người dân trong khu tập thể đã nhường một phần đường để đơn vị thi công rào lại và tập kết vật liệu xây dựng… Nhưng đơn vị thi công chỉ làm được 3 tháng rồi bỏ lửng. Sau một thời gian "nghỉ lấy sức", họ lại triển khai nhưng chỉ cầm chừng, kéo theo hàng loạt hệ lụy bởi rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt bị đổ bừa bãi, đường ống nước sạch bị vỡ, bể phốt vỡ, tắc khiến nước dềnh vào nhà dân. Bức xúc hơn, không đơn vị nào chịu trách nhiệm thu dọn rác, không ai khắc phục đường ống nước hỏng… Người dân phải bảo nhau tự bỏ tiền để sửa chữa.

Trước những bức xúc của người dân về tiến độ "rùa bò" của dự án, ngày 9-7-2015, CĐT là Ban Quản lý dự án thoát nước - Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi UBND phường Phương Mai, khẳng định từng phần việc sẽ được hoàn thành với những mốc thời gian cụ thể; hạng mục hoàn thiện cuối cùng là đường, rãnh thu gom nước thải, lát hè được ấn định vào ngày 30-11-2015… Thế nhưng, đến nay, rãnh thu gom nước thải chưa làm xong, nhiều đoạn chưa được đổ bê tông. Ống cống và vật liệu xây dựng vẫn ngổn ngang trên công trường...

Phải rõ trách nhiệm và hướng giải quyết

Trên địa bàn phường Mai Động (Hoàng Mai), dự án thoát nước gồm 2 gói thầu cống hóa tuyến mương K4A và tuyến mương A2A3. So sánh với các gói thầu khác, hạng mục cống hóa mương K4A có vẻ "sáng sủa" hơn. Ông Nguyễn Hải Âu, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công tuyến mương K4A (thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8) cho biết: Đoạn mương K4A dài hơn 600m, thi công từ tháng 8-2013. Ban đầu ấn định hoàn thành tháng 12-2015, sau đó được giãn tiến độ đến tháng 6-2016. Đến nay, khối lượng công việc còn lại chỉ khoảng 10% gồm hoàn thiện vỉa hè và hệ thống chiếu sáng, dự kiến đầu tháng 5 sẽ thảm mặt đường. Khi hoàn thiện, tuyến mương trở thành đường với mặt cắt rộng từ 5 đến 13,5m.

Trong khi đó, gói thầu cống hóa mương A2A3 tiếp nối với gói K4A vẫn còn dở dang. Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động nói: Khi triển khai dự án, các đơn vị thi công làm ảnh hưởng đến giao thông, mất vệ sinh môi trường nên phường phải nhắc nhở rất nhiều. Chưa kể, quá trình thi công, nhiều căn nhà bị lún, nứt, UBND phường đã nhiều lần đôn đốc CĐT và Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đền bù cho các hộ dân, song CĐT chưa giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc chi trả tiền thuê nhà đối với các hộ dân thuộc phạm vi GPMB cũng chưa được CĐT thực hiện. Gần đây nhất, ngày 16-3, UBND phường Mai Động một lần nữa có văn bản gửi CĐT đề nghị chi trả tiền cho các hộ dân, nhưng chưa có kết quả?

Để làm rõ nguyên nhân dẫn tới việc nhiều dự án "đẩy" người dân vào tình cảnh dở khóc, dở cười, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng) từ ngày 13-4, song đến nay chưa nhận được hồi âm. Với thực trạng nêu trên, đề nghị Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội có giải trình tổng quan toàn dự án để người dân biết tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bên và hướng giải quyết đối với những bất cập, tồn tại đang hằng ngày, hằng giờ làm khó người dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tắc” dự án thoát nước, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.