(HNM) -
Đá ở Phụng Châu gắn bó với người, người sống dựa vào đá" - nghệ nhân Nguyễn Văn Củng, người giỏi khắc chữ nho trên đá duy nhất ở Hà Nội mở đầu câu chuyện về duyên nghiệp với nghề chạm đá của người dân làng mình.
Điêu khắc đá ở thôn Long Châu Miếu. Ảnh: Minh Phú |
Men theo con đường quanh co, uốn lượn bên sườn núi Trầm, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Củng ở thôn Long Châu Miếu, gia đình có 3 đời gắn bó với nghiệp đá ở làng. Đã 80 tuổi, song nhìn bề ngoài, cụ Củng có vẻ trẻ hơn so với tuổi, giọng nói vẫn sang sảng, dõng dạc. Cụ cho hay, nghề chạm đá ở làng ra đời cách nay đã mấy trăm năm. Xa xưa, các cụ trong làng đã dùng đá để tạo tác ra các tác phẩm phục vụ cuộc sống. Từ những thứ quý như đồ thờ tự, đến những đồ gia dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày như cối xay đậu, cối giã gạo, giã cua đến cả máng lợn, rồi chậu tắm đều được làm từ đá. Ở Phụng Châu, người với đá gắn bó với nhau như một thứ duyên. Hàng trăm thợ đá, mỗi người lại có sở trường tạo tác đá ở một lĩnh vực riêng. Với cụ Củng, cụ lại có niềm đam mê khắc chữ nho trên bia đá. Làm nghề này không dễ bởi những người biết chữ nho thì hầu hết lại không biết khắc, người biết khắc lại không biết chữ nho. "Chữ nho chỉ cần sai một nét là lệch ý nghĩa cả chữ ngay. Chính vì vậy mà không mấy người làm được. Tôi đã từng khắc bia ở Quốc Tử Giám, làm một con rùa đội bia và chạm chữ miệt mài trong hai tháng mới hoàn thành" - cụ Củng tâm sự. Cũng chính bởi hiếm người làm được mà nhiều năm qua, cụ Củng trở thành khách quen của Viện Hán Nôm. Họ thường mời cụ khắc bia, phục chế bia tại các đền chùa, di tích lịch sử.
Những năm 1960 của thế kỷ XX, người dân thôn Long Châu Miếu còn biến đá trở thành sản phẩm hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Thu, 65 tuổi ở xóm Miếu nhớ lại: "Lúc đó, xóm tôi thường xuyên có trên 20 hộ chuyên đục cối đá, rồi gánh bộ lên các phố Hàng Mắm, Hàng Bạc trên phố cổ để bán cho người thành thị".
Nghề đá ở Phụng Châu bây giờ có máy móc hỗ trợ nhiều nên ngày càng phát triển hơn. Không còn khai thác đá ở núi Trầm nữa, người làng giờ mua đá từ các nơi như Quảng Nam, Thanh Hóa, Tuyên Quang về chế tác, với rất nhiều chủng loại, từ tượng Phật đến con giống, văn bia, đồ thờ, tượng nghệ thuật… Tuy còn trẻ nhưng anh Nguyễn Văn Trường, chủ xưởng đá Trường Nguyệt được đánh giá là người tinh tường trong nghề truyền thống. Anh Trường cho hay: "Gia đình có 3 đời làm đá, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tôi đã về quê gây dựng sự nghiệp từ nghề cổ ông cha". Với niềm đam mê từ nhỏ, cộng với những kiến thức được đào tạo trong trường đại học, chẳng bao lâu, xưởng đá của gia đình anh đã được nhiều người biết đến với nhiều tác phẩm tinh xảo như tượng nghệ thuật và tượng Phật. Năm 2012 vừa qua, anh Trường đã tham gia Trại điêu khắc tình hữu nghị Việt - Lào…
Hiện nay, thôn Long Châu Miếu có 22 hộ làm đá, nhiều hộ đã thành lập doanh nghiệp. Nhờ nghề này mà người làng có cuộc sống ngày thêm sung túc. Thợ đá Nguyễn Xuân Nhị, theo nghề chạm đá từ năm 17 tuổi, đến nay đã hơn 30 năm gắn bó với nghề. Mái đầu bạc trắng bởi bụi đá, đôi tay chai sần do tác động của búa đục đá, anh chia sẻ: Nghề điêu khắc đá vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, tính cần cù, chịu khó, cẩn trọng và tính thẩm mỹ cao. Nhưng bù lại, rất ổn định và ngày công cao. Thợ kỹ thuật như tôi, ngày công đạt 500 nghìn đồng, mỗi tháng làm đủ công thu nhập cũng được hơn chục triệu đồng.
Đã có thời, người Long Châu Miếu phải vào tận Quảng Nam, Thanh Hóa để làm đá thuê thì nay họ đã tự tin làm nghề ngay chính quê hương mình. Cả làng có hàng trăm lao động làm việc tại hơn 20 xưởng đá trong thôn, kéo theo hàng trăm lao động đến từ địa phương khác. Dù vẫn còn không ít trăn trở như sản xuất chưa có điểm tập trung, ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm… chưa được tháo gỡ, thế nhưng trong ánh mắt người làng nghề vẫn ánh lên niềm kiêu hãnh bởi nghề truyền thống không chỉ được bảo lưu mà còn phát triển, mang lại cuộc sống sung túc cho dân làng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.