(HNM) - Sau tọa đàm khoa học
"Vũ Quần Phương bình thơ'' tập hợp hơn 150 bài bình thơ dân gian, thơ cổ điển, thơ hiện đại và thơ nước ngoài của một cây bút có "thẩm quyền'' trong phê bình thi ca và đặc biệt là của một tâm hồn thơ vừa dào dạt tình cảm vừa lý trí. Bên cạnh đó là "Tuyển tập thơ'' với những thi phẩm dấu ấn rút ra từ 10 tập thơ đã xuất bản trong nửa thế kỷ cầm bút của ông. Nói về thơ Vũ Quần Phương và cách bình thơ của ông hình như cùng gặp nhau ở một điểm đó là giản dị, sâu mà hóm, khoa học, suy tưởng mà ăm ắp chữ tình.
Trần Đăng Khoa nói rằng đã đọc thơ Vũ Quần Phương từ năm 1966. Đó là một nhà thơ có tài, rất có tài nhưng ông gần như bị khuất lấp trong đám đông. Vì sao? Vì ông đã đi vào những góc bình yên của tâm hồn trong những năm mà đất nước đang ì ầm bom đạn. Thiếu sự cộng hưởng của thời đại có thể khiến nhiều giọng thơ tài năng tạm thời bị khuất lấp. Ngược lại, được sự cộng hưởng của thời đại, có những tác phẩm nổi tiếng một thời nhưng lại không đủ sức dư vang sau đó nữa. Đương nhiên, tuyệt vời nhất là những thi phẩm vừa nhận được âm hưởng thời đại vừa đạt tới chất nghệ thuật để neo lại trong lòng bạn đọc.
Như thể trả lời cho những băn khoăn này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định những giá trị của thơ Vũ Quần Phương là không thể phủ nhận được. Theo ông, nhà thơ phải bước qua nhịp cầu tâm lý học và một cách lịch lãm chạm đến tâm hồn bạn đọc bằng tầm vóc của một nhà tư tưởng. Và Vũ Quần Phương là một nhà thơ lịch lãm.
Nguyễn Quang Thiều, cây bút tiêu biểu cho xu hướng thơ hiện đại cũng có một sự thừa nhận thẳng thắn về tính chính xác, tính suy tưởng xuyên suốt trong mỗi bài thơ của Vũ Quần Phương. Trong đó, có những bài thơ đã làm ông "ứa nước mắt'' thời 20 tuổi đến nay vẫn còn rung vang. Đúng là cái dài dòng, mơ hồ, hoang mang… trong thơ Nguyễn Quang Thiều khác với cái gọn gẽ, chính xác, rõ ràng... trong thơ Vũ Quần Phương, nhưng không vì thế mà nó phủ nhận nhau. Mỗi giọng thơ có một trường phủ sóng nhất định. Và sự phong phú làm giàu cho thi ca Việt.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của một nhà xã hội học - TS. Mai Quỳnh Nam. Có thể ông đến với tư cách nhà thơ, nhưng nó vẫn gợi cho người viết về những vấn đề có tính xã hội và thời sự chưa được nói nhiều trong thơ Vũ Quần Phương hôm nay. Khi thế giới đã như là phẳng, biết bao gia đình có cháu con học tập, làm việc ở nước ngoài, nghe giọng nhau hằng ngày nhưng vẫn không sao nguôi nỗi nhớ, nỗi thương con. "Con ngủ trong căn phòng trọ học/Tiếng thở đều như thế bao đêm/Mẹ cha trong nước nào hay biết/Khi gió ngoài kia lạnh xuống thềm'' và "Ông lắng giữa đêm nghe cháu thở/Như tích lương khô phòng dọc đường/Về lại quê nhà, xa cách cháu/nuôi đỡ lòng ông lúc nhớ thương''…
Sự gợi mở của cuộc tọa đàm nói trên có lẽ cũng còn nằm ở ý kiến của những độc giả "nghe thông tin mà tìm đến dự''. Một bạn đọc cho rằng, với gia đình ông thì thơ Vũ Quần Phương không bị khuất lấp, chúng tôi luôn nhìn thấy anh Phương đứng lấp lánh ở đó với những vần thơ về tình yêu đôi lứa, về tình cảm gia đình. Thơ không hề phù phiếm như nhiều người nghĩ mà thực sự có những lúc khó khăn, chúng tôi đã "vịn vào câu thơ mà đứng dậy''.
Với hai ấn phẩm giới thiệu lần này, cũng như qua cuộc tọa đàm trên, một lần nữa đời sống văn học lại có thêm gợi mở đáng quý cho thơ ca cũng như phê bình văn học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.