(HNMO) - Nền kinh tế toàn cầu dường như không rơi trở lại vào trạng thái suy thoái, nhưng có những rủi ro, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick hôm nay (6/9) cho biết.
"Tôi không tin Mỹ hay thế giới sẽ rơi vào suy thoái kép nhưng đang ở các mức cao của sự không chắc chắn", ông Zoellick nói với các phóng viên tại Singapore.
Mỹ có nhiều khả năng đi qua giai đoạn tăng trưởng chậm với thất nghiệp cao đang diễn ra, ông nói thêm.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam đồng thời là người nắm giữ vị trí quan trọng tại Quỹ tiền tệ quốc tế nói rằng, thế giới "nhiều khả năng hơn là không" nhìn thấy một cuộc suy thoái khi tăng trưởng ở cả Mỹ và Châu Âu đã rơi vào tốc độ “chết”.
Ở Châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết, Liên minh châu Âu đã cân nhắc việc hành động chặt chẽ hơn trong khu vực về chính sách tài khóa để giải quyết các vấn mà các thành viên của liên minh này đang phải đối mặt.
"Một chỉ dẫn là làm sâu sắc thêm liên minh tài chính", ông nói thêm về các chính sách mà EU theo đuổi cho đến nay, chẳng hạn như việc tạo ra Quỹ ổn định tài chính châu Âu và mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, chỉ làm mất thêm thời gian của EU trong việc giải quyết các vấn đề mà liên minh này đang phải đối mặt.
Nhóm 7 nhà lãnh đạo tài chính, vốn đang lo lắng về rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu, có thể trong tuần này sẽ đồng ý giữ chính sách tiền tệ điều tiết, củng cố nền tài chính chậm ở các nước nơi mà điều này có thể làm được và thực hiện cải cách cơ cấu, một nguồn G7 cho biết.
Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý và Anh (G7) sẽ gặp nhau vào ngày 9/9 tới tại cảng Marseille, Pháp, để thảo luận về hành động chống đỡ suy giảm kinh tế.
"Vấn đề chính sẽ là sự suy giảm kinh tế toàn cầu và cách tốt nhất để giải quyết vấn đề đó", một quan chức G7 lo chuẩn bị cho cuộc họp cho biết.
Các nguồn tin cho biết, có cảm giác giữa các nước G7 rằng nền kinh tế toàn cầu đã bước vào thời kỳ khó khăn nhất kể từ sau sự sụp đổ của Lehman Brothers và có một nguy cơ về sự suy thoái - hoặc về mặt thuật ngữ kỹ thuật, hoặc về mức tăng trưởng tích cực nhưng có khoảng cách rộng về sản lượng.
G7 cũng có khả năng sẽ thảo luận về lời kêu gọi của IMF với việc tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng châu Âu để giúp làm dịu tác động từ cuộc khủng hoảng nợ quốc gia của khu vực này, nguồn tin cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.