(HNMO) – Biểu diễn một đêm duy nhất tại Hà Nội, vở diễn “Sương sớm” của đoàn múa Arabesque do biên đạo múa Tấn Lộc và êkip dàn dựng diễn ra vào tối 22/1 đã mang đến cảm xúc thăng hoa cho khán giả Thủ đô...
Một buổi sáng trong trẻo, lãng mạn của vùng nông thôn được khắc hoạ trong "Sương sớm" |
Trước khi vở diễn “Sương sớm” công diễn tại Hà Nội, biên đạo múa Tấn Lộc chia sẻ rằng, gốc gác của mỗi người đều xuất thân từ nông thôn, vì thế trong tiềm thức của nhiều người vẫn còn lưu lại chút kỷ niệm, hình ảnh về cuộc sống bình dị, thôn dã. Anh nảy ra ý tưởng thực hiện vở diễn gợi tả lại cuộc sống của người nông dân Việt Nam với hy vọng gợi lại cho mỗi người cảm giác bình yên và hoài niệm mà trong cuộc sống hiện đại, hối hả mỗi người đang dần lãng quên những kỷ niệm đẹp đó.
Có lẽ cũng vì ý tưởng tác động trực tiếp đến người nghe bằng mọi giác quan nên Tấn Lộc và êkip đã cầu kỳ chuẩn bị mọi phương thức nghệ thuật tác động đến khán giả. Không gian của rạp Công nhân Hà Nội được bài trí đậm chất nông thôn, từ bình phong kết bằng lá dừa, những bình, chum, lọ đựng đầy thóc gạo, cho đến việc những cô thôn nữ bưng những mẹt đựng bánh bò, mứt dừa mời khách tại sảnh dẫn vào sân khấu. Những đụn rơm, tấm liếp, chổi tre, hương vòng lớn trên sân khấu… đều được êkip cẩn thận mang từ miền Nam ra, mà theo cách giải thích của đạo diễn Việt Tú, người hỗ trợ cho đoàn múa tại Hà Nội, phải mang từ trong Nam cho đúng phong vị của người miền Tây.
Nhưng có lẽ, điều thú vị nhất là khán giả khi xem còn cảm nhận được mùi sả, hương trầm thoang thoảng lan toả trong không gian nghệt thuật, điều không dễ bắt gặp ở các chương trình biểu diễn. Êkip thực hiện đã giữ được đúng lời hứa của mình, đánh thức mọi giác quan của người xem để khán giả cảm nhận một cách rõ rệt và gần gũi nhất những nét đẹp văn hoá truyền thống của vùng nông thôn.
Các động tác múa tinh tế và giàu cảm xúc |
“Sương sớm” mở màn bằng không gian tĩnh lặng, mờ mờ ảo ảo tranh tối, tranh sáng, chỉ có tiếng côn trùng, tiếng gà gáy đổi canh. Khán giả cảm nhận khá rõ công việc làm đồng từ tờ mờ sáng của người nông dân, hình ảnh quen thuộc ở các vùng quê của Việt Nam. Những động tác múa hình thể, múa đương đại, ba lê… được các diễn viên biến hoá với tính biểu tượng khá cao. Trong mỗi màn diễn, người xem như lật giở ký ức của mình để nhớ về những cảnh quen thuộc mà họ đã từng bắt gặp ở đâu đó, từ hình ảnh người nông dân ra đồng làm rẫy, cảnh thanh tịnh ở cửa chùa vào buổi sáng sớm, cảnh chị em phụ nữ Nam Bộ quét lá cho đến cảnh lao động hăng say, chèo ghe, đánh cá… Tiếng hò đến nao lòng, khúc hát “Dạ cổ hoài lang” sầu muộn, tiếng hát cải lương do các nghệ sĩ biểu diễn live trên sân khấu mang đậm phong vị miền Tây cũng tác động mạnh mẽ đến người xem.
Không gian miền quê ở Tây Nam Bộ còn hiện khá rõ với hoạt cảnh nam thanh, nữ tú tụ tập hát đối đáp tập thể trong ánh đèn dầu lãng mạn. Bức tranh cuộc sống của người nông dân Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung được khắc hoạ khá rõ nét, tỉ mỉ đầy tính hình tượng. Ở đó, người xem cảm nhận rõ sự cô đơn, u uất của những người dân miền sông nước, đến đức tính cần cù, chịu khó và tính cách khoáng đạt, chân chất của người miền Tây.
Kéo dài hơn 1 tiếng, vở múa “Sương sớm” với sự đầu tư, dàn dựng tỉ mỉ của các nghệ sĩ múa Arabesque đã mang đến một đêm diễn đầy tính nghệ thuật cho khán giả Hà Nội. Kết thúc đêm diễn, biên đạo múa Tấn Lộc không khỏi xúc động vì không ngờ vở diễn lại được khán giả Hà Nội đón nhận nồng nhiệt và hứng thú đến vậy. Như cách bộc lộ khá chân chất của một nghệ sĩ gốc miền Tây, anh hồn nhiên lau những giọt nước mắt đầy hạnh phúc, sung sướng trước tình cảm mà khán giả dành cho vở diễn.
Một số hình ảnh trong vở "Sương sớm" diễn ra tại Hà Nội:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.