Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống riêng của ''không gian văn hóa bị bỏ quên''

Vân Lam| 04/09/2022 06:08

(HNMCT) - Ẩm thực đường phố, đời sống hè phố luôn là điểm thu hút du khách khi đến với những thành phố lớn của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Khi Giáo sư Annette M. Kim, tác giả cuốn sách “Đời sống vỉa hè Sài Gòn” vừa mới ra mắt độc giả, đặt câu hỏi khảo sát khách du lịch rằng tại sao họ lại chọn đến Việt Nam, thì phần đông du khách cảm nhận thành phố Hồ Chí Minh sôi động, thú vị và khác biệt so với những đô thị khác, không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên hè phố.

Những tài sản giá trị nhất của một thành phố thường ẩn náu trong dòng cuộc sống thường nhật. Giáo sư Annette M. Kim nhận ra rằng, cái căn cốt của đời sống hè phố không nằm ở lớp bê tông tạo ra nó, mà ở chính những hàng quán bên lề đường, thói quen sinh hoạt, những thân phận và câu chuyện mưu sinh rất đỗi bình thường.

Tập trung vào hai khu vực là quận 1 và quận 5 với 275 cuộc phỏng vấn, hơn 3.000 tấm ảnh và đoạn phim cùng nhiều năm trực tiếp trải nghiệm nghiên cứu, bà Kim và nhóm Nghiên cứu không gian đô thị (SLAB) đã phân tích nhiều biến số, những sự kiện chưa được lý thuyết hóa để vẽ nên những tấm bản đồ tái định hình không gian công cộng như “Bản đồ biểu tượng vỉa hè”, “Bản đồ ma”, “Bản đồ không gian - thời gian”... và chúng đều được “con người hóa”.

Giáo sư Kim cũng giúp độc giả của mình nhận ra những biểu tượng và thứ ngôn ngữ độc đáo của hè phố, từ miếng bìa được cắm vào lỗ viên gạch đứng đơn độc trên hè đến những chiếc lốp xe máy được quấn giấy bạc sáng bóng bắt chéo nhau... cũng linh động tiến hóa theo dòng phát triển của thành phố.

Sau nhiều năm để tâm qua lại hè phố, quan sát kỹ càng và trò chuyện với những người dân mưu sinh ở thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Kim nhận ra rằng, ở nhiều nước trên thế giới, khi làn sóng di dân ồ ạt đổ về khu vực thành thị thì sự tranh chấp không gian hè phố càng gay gắt. Tại thành phố Hồ Chí Minh, dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân vẫn luôn hào hiệp, sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau. Khoảng không gian ấy khác biệt và đáng nhớ bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người. Theo bà, hè phố là một không gian văn hóa đặc biệt của thành phố hơn 300 năm tuổi này.

Nghiên cứu của Giáo sư Kim đã đặt đời sống hè phố dưới một ánh sáng khác, ở nơi đó nó có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân chứ không phải là khoảng không gian câm lặng. Một phần của nghiên cứu đã được trình bày dưới dạng một triển lãm thị giác ở thành phố Hồ Chí Minh. Và bởi thế, bà cho rằng, thành phố muốn phát triển du lịch thì đời sống hè phố là một trong những đặc trưng cần được tiếp cận đa chiều và phát huy. Mất đi những hè đường nhộn nhịp hàng quán và những nụ cười thân thiện, thành phố này có gì khác so với những đô thị khác.

“Đời sống vỉa hè Sài Gòn” mang đến cho độc giả những phân tích, gợi ý, đề xuất từ góc nhìn của một chuyên gia về quy hoạch đô thị và từ tình cảm của một vị giáo sư “trót phải lòng” mảnh đất này. Cuốn sách do Nhã Nam và NXB Dân trí liên kết xuất bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống riêng của ''không gian văn hóa bị bỏ quên''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.