(HNM) - Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã tích cực chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Sự ra đời của các Tổ liên gia đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy; gắn kết “tình làng nghĩa xóm”, giúp thêm sức mạnh bảo vệ an ninh trật tự, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an huyện Thường Tín):
Phấn đấu 100% hộ dân được trang bị bình chữa cháy
Huyện Thường Tín là nơi có khu đô thị kiểu mới nằm xen các làng nghề nên các gia đình thường xây dựng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao. Trước thực tế đó, huyện đã thành lập 95 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 145 điểm chữa cháy công cộng, qua đó phát huy tính linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các gia đình, với phương châm phòng ngừa là chính; đồng thời, lắp đặt hệ thống camera quanh các khu vực điểm chữa cháy công cộng để hạn chế trộm cắp và cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Sắp tới, Công an huyện tiếp tục tham mưu cho các địa phương huy động đông đảo hơn nữa nhân dân tham gia vào Tổ liên gia và lắp đặt được nhiều điểm chữa cháy công cộng.
Bên cạnh việc vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, cũng cần có phương án huy động xã hội hóa, hỗ trợ đối với những hộ gia đình khó khăn để 100% hộ dân được trang bị bình chữa cháy, đáp ứng cao nhất yêu cầu “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy.
Ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm):
Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy
Cuối năm 2022, phường Cầu Diễn đã được UBND quận Nam Từ Liêm và lực lượng chức năng hướng dẫn thành lập thí điểm “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 7 điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn. Khi được tuyên truyền, tất cả các hộ dân đều đồng thuận và nhiệt tình tham gia thực hiện mô hình thí điểm. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cao, thiết thực với cuộc sống người dân nên phường quyết tâm nhân rộng, triển khai thêm 4 Tổ liên gia và 53 điểm chữa cháy công cộng ở tất cả các ngõ, ngách. Mỗi điểm chữa cháy công cộng đều được trang bị 5 bình chữa cháy, tiêu lệnh, nội quy tuyên truyền và rìu phá khóa. Phường cũng thành lập thêm 16 Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với 244 thành viên. Mỗi tổ dân phố đều có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó trực tiếp tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy...
Ai cũng biết “nước xa không cứu được lửa gần”. Đặc điểm của cháy, nổ là diễn biến rất nhanh, có khi chỉ trong vòng vài phút đã thiêu rụi cả căn nhà nếu không được kịp thời phát hiện và dập lửa. Việc triển khai hiệu quả mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng đã góp phần phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Ông Trần Trung Thành, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy):
Nâng cao ý thức của mỗi người dân, mỗi gia đình
Được sự quan tâm của lãnh đạo quận Cầu Giấy và phường Dịch Vọng Hậu, từ cuối năm 2022, tổ dân phố số 6 đã thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” gồm 12 hộ dân. Các hộ dân được trang bị toàn bộ hệ thống báo cháy cả bên trong và ngoài nhà. Chỉ cần 1 hộ dân xảy ra cháy, nổ, lập tức hệ thống báo cháy sẽ hoạt động và tất cả các gia đình ở các khu phố xung quanh đều sẽ biết chính xác điểm xảy ra cháy nổ để cùng tham gia cứu nạn. Tổ dân phố có tổng số trên 400 hộ dân, được trang bị lên tới 500 bình chữa cháy… Với phương châm “phòng hơn chống”, tổ dân phố đã vận động các hộ dân cắt bỏ toàn bộ “chuồng cọp” gây cản trở công tác cứu nạn khi cháy, nổ xảy ra.
Có thể nói, công tác phòng cháy, chữa cháy có thực sự đi vào thực chất và phát huy hiệu quả hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Nếu mỗi hộ dân nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy sẽ hạn chế tối đa tình trạng cháy, nổ xảy ra. Với các hộ kinh doanh trên địa bàn tổ dân phố, nếu phát hiện vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy, ngay lập tức chúng tôi sẽ thông báo với lực lượng chức năng của phường và quận tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu xử lý dứt điểm.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, số nhà 16/39, ngõ 154 phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên):
Tạo nên cộng đồng an toàn phòng cháy, chữa cháy
Khi UBND phường Ngọc Lâm tổ chức lễ ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” vào tháng 10-2022, người dân rất phấn khởi. Lợi ích thấy rõ của mô hình này là tất cả các hộ dân trong phường đều được chính quyền tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, từ đó nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy. Từ chỗ trước đây chẳng mấy ai quan tâm đến việc mua sắm, trang bị cho gia đình mình các dụng cụ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy thì nay gia đình nào cũng bảo nhau phải mua ngay bình chữa cháy đặt ở tất cả các tầng nhà. Người được hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn lại hướng dẫn lại cho các thành viên trong gia đình, hàng xóm… Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy mà người dân ý thức rõ những thiết bị, đồ dùng nào là vật dễ gây cháy, nổ và cách sử dụng sao cho an toàn; khi xảy ra cháy nổ thì cách xử lý ra sao; công tác cứu hộ cần phải thực hiện tuần tự các bước như thế nào… Cũng qua tuyên truyền, các hộ dân không còn tình trạng gia cố, cải tạo ban công, sân nhà theo kiểu “chuồng cọp”; nhiều hộ còn chủ động dỡ bỏ bớt các vật cản để phòng ngừa khi có cháy, nổ xảy ra sẽ dễ dàng thoát nạn, cứu nạn.
Với những ý nghĩa thiết thực và hiệu quả của mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” và mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, chúng tôi đều mong các cấp chính quyền sớm nhân rộng, triển khai đến tất cả các khu dân cư để tạo nên cộng đồng an toàn phòng cháy, chữa cháy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.