(HNM) - Hà Nội là thành phố thấm đẫm chất văn hóa, trải dài cả ngàn năm văn hiến với biết bao tinh hoa hội tụ. Tài nguyên nhiều, thị trường có, sức sáng tạo dồi dào..., nhưng Hà Nội vẫn chưa gây dựng và định vị được vị thế xứng đáng trên bản đồ công nghiệp văn hóa của khu vực và thế giới.
Hầu hết trong số 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa (theo Quyết định 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016 về phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), Hà Nội đều có tiềm năng, thế mạnh. Trong đó, có những mảng được coi như “mỏ vàng” của văn hóa Thủ đô như: Du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ...
Hiện nay, với những thay đổi về nhu cầu hưởng thụ văn hóa, công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực tiềm năng, "sức mạnh mềm" được các quốc gia tập trung khai thác và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng ấy. Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội đã có những chuyển động tích cực với việc ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có nhiều đột phá, thậm chí, vẫn có những níu trở nên chưa mở được lối cho các nguồn lực, thế mạnh.
Chủ động khơi nguồn tiềm năng, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là quyết tâm lớn của thành phố trong việc tạo bước đột phá phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại, đưa Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Trên tinh thần đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần sớm rà soát các quy hoạch về văn hóa trên địa bàn để vừa phát huy sự tự chủ, sáng tạo, vừa bảo đảm không chệch định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố. Xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển trên nguyên tắc sản phẩm văn hóa phải có tính kế thừa, tính mới, tính khả thi, phù hợp với nhu cầu của thị trường văn hóa...
Thực tế cho thấy, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi không gian văn hóa chỉ lan tỏa, thực sự bứt phá khi có sự tiếp sức từ cộng đồng. Vì thế, việc tuyên truyền về định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa sao cho dễ hiểu, gần gũi, để mỗi người hiểu mình sẽ được hưởng lợi gì từ công nghiệp văn hóa là điều cần thiết. Từ đó, nguồn lực trong cộng đồng sẽ được giải phóng, phát huy, kết thành vòng tròn khép kín của quy trình công nghiệp văn hóa (sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm văn hóa).
Để tạo thêm sức bật, phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa, con người, các sở, ngành, địa phương của thành phố phải đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, công nghệ... Đặc biệt, cần bám sát định hướng xuyên suốt là phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, tạo “bệ phóng” cho công nghiệp văn hóa phát triển.
... Xét đến cùng, công nghiệp văn hóa không chỉ "thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập" - như định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), mà còn đáp ứng nhu cầu thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì mục tiêu không có điểm dừng này, Hà Nội sẽ khơi thông mọi mạch nguồn tiềm năng, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, “sức mạnh mềm” của Thủ đô trong tiến trình hội nhập và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.