(HNM) - Từ bao đời nay, gia đình truyền thống Việt Nam vẫn mang những giá trị rất thiêng liêng và ý nghĩa. Gia đình chính là nơi kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc như: Con cháu hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ; anh chị em hòa thuận, thương yêu nhau; vợ chồng thủy chung tình nghĩa; người trong một nhà luôn biết tương thân tương ái…
Ngày nay, khi kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập và giao thoa về văn hóa ngày càng sâu rộng thì vấn đề nếp sống, gia phong của từng gia đình đang có những thay đổi đáng kể. Thực trạng xã hội trước sự du nhập những làn sóng các tệ nạn xã hội, văn hóa độc hại đã và đang tiếp tục làm tổn thương các giá trị đạo lý, nhân văn truyền thống trong các gia đình Việt, trở thành một thách thức không nhỏ với việc phát triển của từng "tế bào" xã hội.
Một khi con người ta hạ thấp giá trị gia đình, thoát ly khỏi mái ấm một cách tiêu cực thì hệ quả nhận được sẽ chỉ là sự đổ vỡ. Thực tế là hầu hết các đối tượng của tệ nạn xã hội hay tội phạm đều có xuất phát điểm do tự bản thân họ thoát ly khỏi gia đình hoặc do gia đình bị tan vỡ vì một lý do nào đó. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi chúng ta đều có thể bắt gặp những đứa trẻ lang thang, những cụ già hay người tàn tật không nơi nương tựa, những mảnh đời éo le… khiến chúng ta chợt thấy nhói lên trong lòng. Nhưng có mấy người quan tâm đến nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hoàn cảnh đó chính là hệ lụy của sự tan vỡ mái ấm gia đình.
Rất nhiều người cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại đã tác động đến những giá trị truyền thống của gia đình Việt. Điều này hoàn toàn đúng, thậm chí không chỉ có mặt trái của kinh tế thị trường mà sự nghiệt ngã còn đến ngay từ những tư tưởng, quan niệm lạc hậu và cổ hủ còn tồn tại trong xã hội. Rồi cả khi cuộc sống bộn bề hơn, nhiều người đã bị cuốn theo guồng quay của "cơm, áo, gạo, tiền" mà sao nhãng bổn phận làm cha, làm mẹ, làm chủ gia đình khiến cho nhiều thân phận con trẻ bị lạc lõng trong dòng đời, bị xô đẩy vào các tệ nạn, khiến cho không ít chính những chủ nhân của gia đình cũng bị cuốn vào dòng xoáy của những lạc thú cá nhân, những quan hệ phức tạp ngoài gia đình.
Gia đình là "tế bào" của xã hội. "Tế bào" tốt ắt sẽ tạo thành một xã hội tốt. Gia đình quyết định chất lượng của hầu hết các vấn đề như dân số, giáo dục, văn hóa, kinh tế cũng như sự tổng hòa các mối quan hệ trong xã hội. Do đó, nó chính là động lực cho sự phát triển của xã hội. Ngược lại, hạt nhân gia đình yếu cũng sẽ là tác nhân làm xáo trộn, rối loạn đời sống xã hội. Nếu nói, hội nhập tác động đến gia đình cũng không sai, nhưng chính sự phát triển của xã hội cũng là tiền đề cho gia đình phát triển theo hướng hiện đại. Vấn đề đặt ra giờ đây là làm sao để gia đình Việt có thể hòa nhịp, phát triển đồng điệu với xu thế hội nhập, giao thoa với thế giới. Trong đó truyền thống được hun đúc, hòa quện với nếp sống hiện đại.
Có thể nói, để phát huy giá trị gia đình, đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm với chính mái ấm của mình. Như câu nói của ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore, rằng: "Nếu chúng ta phá vỡ kết cấu gia đình và đại gia đình thì chúng ta sẽ tan rã, sẽ hỏng bét, vì sức mạnh gia đình và sức mạnh ngưng tụ xã hội là cơ sở để xây dựng đất nước".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.