Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức lan tỏa từ một cuộc vận động

Quỳnh Anh| 26/03/2013 07:37

(HNM) - Cuộc vận động

Các em học sinh khiếm thị Hà Nội thi vẽ tranh tại một chương trình giao lưu. Ảnh: Bích Ngọc



Hội Người mù huyện Thủy Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động từ khá sớm trong hệ thống tổ chức của Hội Người mù TP Hải Phòng nhưng lại là đơn vị yếu kém về mọi mặt... Năm 2007, cuộc vận động "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng" được phát động, cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện Thủy Nguyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Sự ích kỷ cá nhân, chia bè kéo cánh được dẹp bỏ, thay vào đó là sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao từ trên xuống dưới, quy chế làm việc được bổ sung đề cao tinh thần dân chủ... Nhờ thay đổi này, đến nay Hội Người mù huyện Thủy Nguyên đã trở thành đơn vị hoạt động hiệu quả với 7 cơ sở xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm ổn định cho 42 người khiếm thị với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/ tháng... Hội viên của hội ngày càng tích cực, chủ động vươn lên, tiêu biểu như các anh, chị: Lê Đức Thiện, Đinh Văn Tình, Vũ Thị Dùng, Nguyễn Thị Xiêm... Anh Lê Đức Thiện từ một người ít nói, mặc cảm tự ti, giờ đã trở thành ông chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, tạo việc làm ổn định cho 10 nhân viên.

Giống như Hội Người mù huyện Thủy Nguyên, sau khi cuộc vận động được triển khai, từ một đơn vị mất đoàn kết, cán bộ mâu thuẫn, nội bộ chia rẽ, số hội viên nghèo chiếm tỷ lệ cao, Hội Người mù tỉnh Long An đã "lột xác" hoàn toàn, tập thể đoàn kết, cán bộ, hội viên không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Trong 5 năm (2007-2012), hội đã vận động các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ người khiếm thị quà và hiện vật trị giá hơn 7,3 tỷ đồng; mở 10 lớp dạy nghề cho 155 học viên; đề xuất với cơ quan chức năng giải quyết cho 100% hội viên được hưởng chế độ theo Nghị định 13/CP... Hội đã được UBND tỉnh Long An tặng nhiều cờ thi đua và bằng khen.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết, trước năm 2007 đời sống của người khiếm thị hết sức khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, nhiều hội viên thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của xã hội. Trước tình hình đó, hội phát động cuộc vận động "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên, phát huy nội lực các cấp hội, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các mặt hoạt động để cải thiện cuộc sống của người khiếm thị... "Cuộc vận động được các cấp hội triển khai sâu rộng đến từng hội viên thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức: Lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, thông qua các hội thi (văn nghệ, kể chuyện, thi thuyết trình) hoặc trong các hội nghị sơ kết, tổng kết", ông Hưởng nói.

Trong 5 năm đó, cuộc vận động đã góp phần không nhỏ giúp các tổ chức hội thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người khiếm thị; phát huy được tinh thần đoàn kết, huy động các nguồn lực tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi cấp hội người mù. Các cấp hội người mù đã mở được 512 lớp xóa mù chữ, nâng cao sử dụng chữ Braile cho 5.750 cán bộ; tổ chức 437 lớp học nghề, truyền nghề ngắn hạn cho 6.801 học viên; duy trì tốt hoạt động của 334 cơ sở sản xuất tập trung, tạo việc làm ổn định cho 3.755 người; xây dựng 1.107 ngôi nhà, sửa chữa 432 ngôi nhà cho gia đình khiếm thị nghèo có khó khăn về nhà ở... Người khiếm thị được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm các loại thuế và các khoản đóng góp của địa phương. Con em người khiếm thị đi học được tạo điều kiện miễn giảm các khoản đóng góp. Một số đơn vị đã phối hợp với các nhà tài trợ, từ thiện, ngành y tế phẫu thuật mắt đem lại ánh sáng cho hàng nghìn người mù. Các cấp hội đã tranh thủ các nguồn tài trợ để trợ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, trị giá hơn 10 tỷ đồng/năm…

Bên cạnh đó, Hội Người mù Việt Nam còn tổ chức chương trình: "Việc làm, xóa đói giảm nghèo"; mở các cuộc thi "Đọc viết nhanh chữ Braile", "Nguồn sáng cuộc đời tôi", "Cuộc thi ONKYO" (Chữ Braile thay đổi cuộc đời tôi)… Theo ông Nguyễn Xuân Hưởng, giai đoạn 2013-2017, Trung ương Hội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hội; lãnh đạo các cấp hội xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc thực hiện công tác hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, đến từng hội viên và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức lan tỏa từ một cuộc vận động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.