Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã đồng hành, hỗ trợ nguồn vốn cho người chấp hành xong án phạt tù xây dựng lại cuộc sống mới, hoà nhập với cộng đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho vay vốn đối với 106 người chấp hành xong án phạt tù.
Theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đến thăm gia đình anh Cấn Văn Tính, ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất vào một ngày cuối thu năm 2024. Anh Tính vui vẻ tâm sự: “Tôi đã có một thời tuổi trẻ bồng bột và phải trả giá. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về làm lại cuộc đời, may mắn được gia đình và chính quyền địa phương giúp đỡ, đặc biệt là được sự quan tâm của Công an xã, Hội Cựu chiến binh xã và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất tạo điều kiện cho gia đình tôi vay 100 triệu đồng trong 3 năm. Gia đình tôi đã sử dụng số vốn vay này vào việc nâng cấp cửa hàng, mua nguyên vật liệu để bán hàng ăn uống và giải khát tại nhà. Có nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời để cho bố mẹ, vợ con và gia đình nội ngoại không còn phiền muộn về mình nữa”.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Đặng Đức Hạnh, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 20/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, rà soát nhu cầu vay vốn và hướng dẫn hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù làm thủ tục hồ sơ vay vốn. Tính đến ngày 31-10-2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân được 8.822 triệu đồng của chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 106 đối tượng người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Một trong những hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn của quận Tây Hồ là anh Phó Đức Tuấn, ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Theo anh Phó Đức Tuấn, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, gia đình anh đã được Công an phường, Hội Liên hiệp phụ nữ phường, tổ tiết kiệm và vay vốn phường đã hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn và được Ngân hàng Chính sách xã hội quận giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Gia đình anh đã sử dụng số tiền được vay vào cải tạo vườn, mua cây giống và phân bón trồng đào cảnh. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng thêm các loại rau và hoa ngắn ngày để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình. “Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội rất quý đối với gia đình tôi. Số tiền cho vay này không chỉ khích lệ, động viên, mà còn thể hiện sự tin tưởng, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và công an khu vực đối với những người đã một thời lầm lỡ, hòa nhập cộng đồng”, anh Tuấn chia sẻ.
Một trường hợp nữa ở phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng là anh Đào Xuân Trường được vay vốn thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Cựu chiến binh phường. Với số vốn vay 90 triệu đồng, anh Trường đã mua xe máy để chạy xe ôm công nghệ ban ngày và góp vốn mua ô tô chở khách buổi tối. Nhờ đó, mỗi tháng anh có thu nhập hơn 10 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt.
Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Cựu chiến binh phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng Phạm Tiến Hải cho biết, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù làm hồ sơ rất tận tình. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Với số tiền được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập với cộng đồng, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.