(HNMO) - Vụ việc nguồn nước sạch sông Đà có mùi lạ khiến nhiều người dân sinh sống tại các quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội) lo lắng mấy ngày qua. Thấu hiểu nỗi lo lắng đó, với tinh thần trách nhiệm cao, ngay khi xác định được nguyên nhân nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất nước của Nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Trước sự cố chưa từng xảy ra, Công ty cổ phần đầu tư nước sông Đà (Viwasupco), đơn vị vận hành Nhà máy nước sạch sông Đà, đã không có phương án ngăn chặn, xử lý hiệu quả dù đã sớm biết căn nguyên. Vụ việc cũng không được kịp thời thông báo với khách hàng của Viwasupco là các đơn vị kinh doanh nước sạch của Hà Nội mà vẫn duy trì việc cấp nước cho hệ thống cung ứng. Rõ ràng, đơn vị cung cấp dịch vụ đã không hoàn thành trách nhiệm trước khách hàng. Việc Viwasupco che đậy sự cố đã khiến cho việc xử lý hậu quả gặp khó.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin về hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ vào ngày 10-10, ngày 11-10, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tìm nguyên nhân, cũng như xác định mức độ ô nhiễm để cảnh báo đến người dân và có hướng xử lý phù hợp. Ngày 15-10, nguyên nhân được xác định dựa trên kết quả phân tích nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của Sở Y tế Hà Nội. Thời gian xác định nguyên nhân để quyết định phương án xử lý lẽ ra đã được rút ngắn nếu câu chuyện dầu thải đổ trộm khiến Viwasupco phải huy động toàn bộ lực lượng, thuê cả người dân địa phương hớt váng dầu được minh bạch, công khai ngay từ khi được phát hiện, ngày 8-10.
Để trả lại một hệ thống cung cấp nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Viwasupco xử lý súc xả, thay toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp... Trong thời gian chờ hoàn thành việc làm sạch toàn bộ hệ thống, thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân tạm thời không sử dụng nước do Viwasupco cung cấp để nấu ăn, uống.
Đồng thời, để bảo đảm nguồn nước sạch cho nhân dân, Hà Nội đã có phương án điều tiết nguồn nước từ các nguồn tập trung của thành phố như: Nguồn nước mặt sông Đuống, Nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì (thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội)... Theo đó, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống điều tiết, bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để phục vụ nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty Nước sạch Hà Nội đã vận hành tối đa nguồn nước dự phòng, mở cửa 4 nhà máy nước sạch tại Mai Dịch, Hạ Đình, Pháp Vân và Trạm Quỳnh Mai để mọi người dân vào lấy nước tự do; dùng xe téc cấp nước miễn phí đến cụm dân cư từ tối ngày 15-10 đến nay. Bên cạnh đó, tuyến ống TD D800 Pháp Vân - đường vành đai 3 cũng được mở thông để cấp nguồn nước từ công ty sang các khu vực Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Thanh Liệt và một phần khu vực Khương Trung, Khương Đình với lượng nước cấp tăng trên 35.000 m3/ngày đêm.
Do toàn bộ nhà máy và lưu vực nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho nhà máy, điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại hồ Đầm Bài (hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy Nước sạch sông Đà); tổ chức điều tra hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải nhưng không có hành vi ngăn chặn kịp thời, dẫn đến sự cố nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước cho người dân Thủ đô, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chiều 16-10, tại cuộc làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng với UBND TP Hà Nội về việc đôn đốc tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhận xét: Hà Nội đã có những chỉ đạo giải quyết điều tiết nước sạch thay thế kịp thời cho nhân dân nhiều địa bàn trong lúc nguồn nước nhà máy sông Đà chưa cấp trở lại.
Hiện tại, UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc này. Ngoài những biện pháp trước mắt, những biện pháp lâu dài cũng đã được tính đến. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến các nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố... Tất cả vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân.
Những động thái tích cực từ thành phố Hà Nội và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đã làm vơi đi mối lo trong dân. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là sẽ “vơi đi” trách nhiệm của người đã “đầu độc” nguồn nước cũng như của đơn vị cung cấp nước là Viwasupco. Cách hành xử của Viwasupco là lừa dối khách hàng, không bảo đảm chữ tín trong kinh doanh, trong khi đây lại là kinh doanh một loại hàng hóa thiết yếu - nước sạch.
Với sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của các cơ quan chức năng, chắc chắn, nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng sẽ sớm được làm rõ, các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng đây sẽ là bài học lớn cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, nhất là những dịch vụ thiết yếu của đời sống, trong ứng xử với người dân, ứng xử với khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.