Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi một số luật thuế: Bảo đảm công bằng, bình đẳng

Đức Anh| 22/01/2018 07:40

(HNM) - Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo lần 2 luật sửa đổi các luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, xuất khẩu, nhập khẩu...


Việc áp thuế với nước ngọt cần có lộ trình hợp lý.


Nước ngọt sẽ chịu thuế như rượu, thuốc lá

Sau khi dự thảo lần 1 luật sửa đổi các luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và xuất khẩu, nhập khẩu được Bộ Tài chính lấy ý kiến từ các bộ ngành, trong đó có đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nhiều ý kiến không đồng tình đã được phản hồi tới Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tại dự thảo lần 2 vừa hoàn thiện, Bộ Tài chính vẫn kiên định giữ quan điểm “Bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế, trừ các sản phẩm sữa”.

Trong bản tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Tài chính cho biết, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tại thư gửi Bộ Tài chính (tháng 9-2017) về khuyến nghị đánh thuế nước ngọt, Tổ chức Y tế thế giới đã đồng tình và đánh giá cao đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt để tăng giá các loại nước giải khát này và khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế sao cho có thể đạt được việc tăng giá bán 20%. Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể dẫn đến tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường. Do vậy, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ các sản phẩm sữa), áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019.

Lý giải đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế 10% thay vì 20% như phương án ban đầu, Bộ Tài chính tính toán, nếu áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt khoảng 4.550 tỷ đồng, số thu thuế giá trị gia tăng tăng tương ứng 455 tỷ đồng, giúp tổng số tăng thu 5.005 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra, trong đó có nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhiều băn khoăn...

Tại tọa đàm “Xu hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay trên thế giới - Một số hàm ý cho Việt Nam” do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức mới đây ở Hà Nội, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực thuế đã bày tỏ những băn khoăn xung quanh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, béo phì có nhiều nguyên nhân, vì vậy lý do Bộ Tài chính áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường “do mặt hàng này gây béo phì và các bệnh tim mạch, tiểu đường” là chưa thuyết phục.

Theo ông Nguyễn Hồng Huy, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra béo phì có thể do lượng calo đưa vào cơ thể lớn hơn lượng calo tiêu thụ; chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá nhiều các thức ăn nhanh chứ không phải chỉ do lượng đường trong đồ uống gây nên.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) cho rằng, điều quan trọng là luật thuế và các quy định phải được thiết kế để bảo đảm thi hành một cách công bằng và bình đẳng. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi xem xét các cách thu hút đầu tư có chất lượng cao và đẩy mạnh sự phát triển ở khu vực tư nhân. Trên thế giới, gần như tất cả quốc gia có đánh thuế đối với nước ngọt đều áp dụng phương pháp đánh thuế theo lượng đường với mức thuế tuyệt đối như Thái Lan, Pháp, Mexico, Hungary, Na Uy, Anh… Việc áp thuế theo lượng đường trong sản phẩm dựa trên nguyên tắc sản phẩm có lượng đường cao (tính trên một đơn vị thể tích nhất định) sẽ chịu mức thuế cao. Ngược lại, sản phẩm có lượng đường dưới một mức nhất định sẽ không bị đánh thuế. Phương pháp này không chỉ thể hiện sự công bằng của sắc thuế, mà còn tạo động lực cho các nhà sản xuất ngành nước giải khát giảm lượng đường trong sản phẩm của mình, từ đó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong trường hợp áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt, cần có lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh, từ đó bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi một số luật thuế: Bảo đảm công bằng, bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.