Pháp đình

Xét xử nghiêm minh nhóm giả danh công an lừa đảo chuyển tiền

Chu Dũng 09/05/2024 - 18:33

Ngày 9-5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa các bị cáo Lê Văn Trình (sinh năm 1975), Nguyễn Đình Quang (sinh năm 1994), Đào Viết Điệp (sinh năm 1990) đều trú ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình ra xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng, tháng 9-2020, Trình nhận được cuộc gọi qua Zalo từ Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1975; ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là chị gái của vợ cũ của Trình, hiện đang bị truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hằng bảo Trình đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền “bẩn” do các đối tượng phạm tội mà có, sau đó rút tiền mặt, chuyển vào các tài khoản khác theo yêu cầu thì sẽ được hưởng 20% tổng số tiền chuyển vào tài khoản.

cao-lua-92-4413-45.jpeg
Ba bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Chu Dũng.

Sau cuộc điện thoại này, Trình được một đối tượng tên Tuấn Anh (không rõ nhân thân, lai lịch) liên hệ, hướng dẫn đi mua chứng minh nhân dân (CMND) loại 9 số, làm giả bằng cách bóc ghép thay ảnh, rồi sử dụng đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền “bẩn”. Ngay sau đó, Tuấn Anh đã chuyển cho Trình 20 triệu đồng để đi mua CMND và chi phí mở tài khoản ngân hàng.

Nhận 1 triệu đồng từ Trình, Quang và Điệp đã đến cửa hàng cầm đồ ở thành phố Thái Bình mua được khoảng 5 CMND với giá 50.000 đồng/cái. Do cần ảnh trên CMND giả có đóng dấu chìm, Trình thống nhất với Quang và Điệp bóc ảnh thật trên CMND 9 số của Quang và Điệp để dán vào CMND giả.

Sau đó, Trình giao các CMND giả trên cho Quang và Điệp đi mở tài khoản ngân hàng. Ít lâu sau, Điệp xảy ra mâu thuẫn với Trình nên không làm cùng nữa. Lúc này, Trình bảo cháu vợ cùng nhiều người khác tham gia mở tài khoản và thực hiện rút tiền với mình. Sau khi mở tài khoản ngân hàng thành công, Trình gửi các số tài khoản trên cho Tuấn Anh để trao đổi, phối hợp chuyển, nhận số tiền đã chiếm đoạt được.

Về việc ăn chia đối với số tiền được Tuấn Anh cắt lại, Trình thỏa thuận cho Quang 25% số tiền được hưởng, cho Điệp từ 1-2 triệu đồng/mỗi lần rút tiền thành công…

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2020, nhóm của Trình đã gây ra 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tổng số hơn 700 triệu đồng của 3 cụ bà hơn 80 tuổi.

Điển hình, trưa 20-10-2020, các đối tượng gọi vào số điện thoại bàn của bà L.T.Ng (sinh năm 1939; ở Hà Nội), giả danh là cán bộ cơ quan công an, thông báo số tiền tiết kiệm của bà Ng có liên quan đến vụ án rửa tiền. Do tin tưởng thông tin đối tượng đưa ra, cùng ngày, bà Ng ra một ngân hàng rút 510 triệu đồng rồi gửi vào số tài khoản các đối tượng yêu cầu. Hôm sau, bà Ng tiếp tục ra ngân hàng rút 60 triệu đồng rồi chuyển đến tài khoản các đối tượng yêu cầu.

Cơ quan chức năng làm rõ bà Ng đã chuyển 60 triệu đồng vào một tài khoản do Quang - người trong nhóm của Trình mở. Nhận được tiền, Quang đến cây ATM rút tiền. Đối với số tiền 510 triệu đồng, sau khi nhận được tiền, đối tượng (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đã chuyển tiếp đến nhiều tài khoản khác. Hiện, chủ nhân các tài khoản nhận tiền không có mặt tại địa phương nên cơ quan chức năng chưa ghi được lời khai, làm rõ nội dung liên quan đến việc nhận tiền.

Căn cứ vào các bằng chứng phạm tội, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Lê Văn Trình 16 năm tù, Nguyễn Đình Quang 14 năm 6 tháng tù về cả 2 tội danh bị truy tố. Riêng Đào Viết Điệp bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử nghiêm minh nhóm giả danh công an lừa đảo chuyển tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.