(HNM) - Theo Bộ Tài chính, thông qua việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, 708 mặt hàng sữa bột đã giảm giá 0,1-34%. Song, trên thực tế, giá bán sữa bột tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực 2-6,5 USD.
Tại cuộc họp báo về quản lý điều hành giá sữa chiều 14-5, Bộ Tài chính cho biết, đã phát hiện những dấu hiệu nghi vấn về việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (DN SXKD) sữa thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu. Nhiều sai phạm của các DN sữa như: bán giá thực tế cao hơn giá đăng ký, tẩy xóa, in lại hạn sử dụng và chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố cũng đã bị phát hiện và xử lý.
Người tiêu dùng hoang mang trước “ma trận” giá và chất lượng sữa bột. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều sai phạm trong kinh doanh sữa bột
Trước tình trạng giá sữa bột tại Việt Nam liên tục tăng giá, nhiều biện pháp quyết liệt đã được Bộ Tài chính thực hiện nhằm bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thông qua hai biện pháp: quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 6 tháng (có hiệu lực từ ngày 1-6-2014), giá sữa bột trên thị trường đã dần ổn định. Tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ sữa bột trên thực tế đã giảm 0,1%-34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng.
Cùng với việc bình ổn giá sữa, việc kiểm tra và xử lý vi phạm với các DN SXKD sữa cũng được thực hiện. Báo cáo kết quả kiểm tra của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho thấy, một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định như: Đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định; giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, cao hơn giá niêm yết; không niêm yết giá, hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; gian lận thương mại thông qua các hành vi tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng... Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu số lợi bất chính có được do vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa với tổng số tiền gần 520 triệu đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là gần 42 triệu đồng. Sau khi loại trừ chi phí quảng cáo khuyến mãi của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi khỏi cơ cấu giá sữa, các DN sữa cũng đã kê khai lại giá các sản phẩm với mức giảm khoảng 0,4-4% so với mức kê khai liền kề trước đó, có hiệu lực từ ngày 10-5-2015.
Song, theo đánh giá của Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh giá sữa bột. Bởi, trên thực tế, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định. Bộ Tài chính cũng phát hiện những biểu hiện về việc thao túng, chuyển giá sản phẩm sữa bột từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này đã khiến cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. Đặc biệt, theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình/kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi (từ bước 1 đến bước 4) với tất cả các nhãn hàng sữa của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tại Việt Nam giá bán trung bình sản phẩm sữa bột trẻ em (bước 1 đến bước 4) là 16 USD, song ở Thái Lan chỉ là 14 USD, Philippines:12,9 USD, Malaysia: 10,9 USD, Indonesia: 9,5 USD.
Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi do giá sữa cùng chủng loại đang cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Bao giờ giá sữa ở Việt Nam sẽ được điều chỉnh ở mức hợp lý?
Kiên quyết bình ổn giá sữa
Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới xung quanh việc vì sao giá sữa Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và bao giờ người tiêu dùng được mua sữa với mức giá công bằng hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sở dĩ có sự khác nhau như trên là do có nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, tập quán tiêu dùng của từng quốc gia, nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau. Làm rõ hơn những vấn đề về dấu hiệu thao túng, chuyển giá của các DN kinh doanh sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, kết quả bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dù có nhiều diễn biến tích cực, song vẫn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường. Đáng chú ý nhất là vẫn còn DN sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường. Một số DN còn tình trạng thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng giá nguyên liệu thế giới giảm, nhưng giá nhập khẩu vào Việt Nam không giảm, hoặc giảm ít. Thực tế này đã đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá sữa bột từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Để tiếp tục giữ ổn định giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1-6-2015 đến hết 31-12-2016. Trong quá trình thực hiện giá tối đa với sữa bột, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp.
Như vậy, với những biện pháp "mạnh" của Chính phủ, giá sữa đã, đang dần trở về mức hợp lý hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ đến khi những nghi vấn về hiện tượng thao túng, chuyển giá sữa bột được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, người tiêu dùng trong nước mới có thể yên tâm về việc sữa bột dành cho trẻ em đang được bán với mức giá hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.