(HNM) - Dẫu đã nghe từ nhiều ngày trước về vụ "chiếc xe ben đụng vỡ thân đập thủy điện" Đăk Mek 3, một câu chuyện "thật như đùa", nhưng đọc thông tin trên báo chí lại càng thêm giật mình. Tại cuộc họp báo được UBND tỉnh Kon Tum tổ chức sáng 29-11, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Theo thiết kế, thân đập thủy điện Đăk Mek 3 được đổ bằng bê tông liên tục, mác 150. Tuy nhiên, khi kiểm tra hiện trường thì "thân đập toàn đất, cát, đá".
Đó là sự thật từ một sự cố gây chết người, đến sự thật là người ta ém nhẹm, bưng bít thông tin, rồi thêm một sự thật kinh hoàng đó chính là một công trình lớn và quan trọng mà người ta chỉ coi nó như một… trò đùa. Một con đập thủy điện dài 165m, nhưng chỉ với một cú va chạm với chiếc ô tô đã vỡ toác 109m, đất đá văng xa cả mấy chục mét. Một câu chuyện "châu chấu đá xe" của thời hiện đại khiến người nghe túa mồ hôi.
Còn nhớ gần chục năm trước, liên quan đến vụ PMU18, từ việc người ta bắt được đám trẻ trâu đi đập cọc tiêu trên quốc lộ ở Bắc Ninh để lấy sắt bán mà chỉ thấy cọc tre, cơ quan công an phát hiện chuyện "động trời" là những chiếc cọc tiêu ấy thay vì có lõi thép thì đơn vị sản xuất đã dùng cốt tre, để rút ruột công trình chia chác với nhau, bất chấp đó là công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Chuyện lúc ấy gây xôn xao dư luận vì lần đầu tiên có một việc gian dối như vậy bị phát hiện. Nhưng rồi, có lẽ cũng chỉ là mấy cái cọc tiêu chẳng to tát gì nên người ta đã sớm quên đi vụ việc ấy.
Song, cũng lại có lẽ vì chúng ta quá dễ dàng quên đi, bỏ qua những "sai sót nhỏ" nên những "sai sót lớn" đã có cơ hội phát triển. Trước sự cố đập Đăk Mek 3 chừng ngót một tháng, dư luận đã giật mình khi đập thủy điện Đakrông 3, thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị vỡ sau 15 ngày tích nước để chạy thử, một lượng nước khổng lồ ập xuống sông Đakrông, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 2.000 hộ dân ở hai bên bờ sông Đakrông phía hạ lưu của nhà máy. Và đáng lưu ý là khi đập vỡ cũng đã lộ ra những tảng bê tông rời rạc, lưa thưa vài lõi sắt.
Thực tế còn có thể kể ra nhiều những vụ việc kiểu như sau sự cố lộ ra công trình bị rút ruột. Cốt lõi ở đây chính là sự gian dối đang ngày càng có chiều hướng gia tăng ở các công trình xây dựng. Hậu quả là những công trình được xây dựng bằng tiền của, công sức của nhân dân, của nhà nước không đạt chất lượng, thậm chí không thể sử dụng hoặc đe dọa cuộc sống, sự an toàn tính mạng của nhiều người dân. Vậy mà đến nay, vẫn có rất ít những người liên quan đến các công trình kém chất lượng này bị xử lý.
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát chất lượng các công trình thủy điện nhỏ. Nhưng đến nay, người dân và dư luận vẫn hoàn toàn tù mù thông tin vì vẫn chưa có một con số báo cáo nào cụ thể. Và, trong lúc những bàn luận, tranh cãi về vấn đề an toàn đập thủy điện còn đang làm nóng dư luận, đặc biệt liên quan đến chất lượng và sự an toàn ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, thì vụ vỡ đập Đăk Mek 3 khiến chúng ta có thể đặt thêm những câu hỏi về chất lượng thật của các công trình hồ chứa nước, đập thủy điện. Còn có bao nhiêu công trình đã và có thể sẽ trở thành nạn nhân của nạn tham ô, tham nhũng, rút ruột công trình? Trên khắp cả nước, có hàng trăm công trình hồ đập lớn nhỏ, nếu thói làm ăn gian dối vẫn không được phát hiện, ngăn chặn thì sự an nguy của người dân và các hệ lụy về kinh tế - xã hội, môi trường sẽ do ai chịu trách nhiệm?...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.