Điệp viên sử dụng phương tiện này làm
Đối với nhiều người, tàu tốc hành phương Đông thiên về tính trừu tượng hơn là một thực thể hữu hình. Chúng ta thường quen thuộc với hình ảnh tàu tốc hành phương Đông trong tiểu thuyết và phim ảnh: nhân vật thám tử Hercule Poirot phá vụ án nổi tiếng nhất của ông trên chuyến tàu, cô gái trong bộ phim của đạo điễn người Mỹ Alfred Hitchock mất tích trên tàu này và nhân vật điệp viên James Bond cũng lên chiếc tàu này từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tới London (Anh).
Tàu tốc hành phương Đông tại Paris (Pháp) năm 1978. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, con tàu này thực sự từng tồn tại trong lịch sử. Năm 1865, con trai một nhân viên ngân hàng người Bỉ có tên Georges Nagelmackers đã hình dung về "con tàu đi qua cả một lục địa với đường ray trải dài 2.414km". Đây là những gì nhà văn người Áo E. H. Cookridge viết trong tác phẩm "Tàu tốc hành Phương Đông: Cuộc đời và thời kỳ của đoàn tàu nổi tiếng nhất thế giới". Theo đó, trong một chuyến đi tới Mỹ, Nagelmackers được chứng kiến sự tân tiến của ngành đường sắt tại đây và ông quay trở về nước với quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
Năm 1883, sau nhiều khởi động thất bại, gặp vấn đề tài chính và khó khăn trong đàm phán với công ty đường sắt quốc gia, Công ty Wagons-Lits của Nagelmackers đã lập ra tuyến đường ray từ Paris (Pháp) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được gọi là Constantinople.
Ngày 4/10 cùng năm, tàu tốc hành phương Đông đã có hành trình đầu tiên với nhiều nhà báo góp mặt để đưa tin về vẻ đẹp và sự xa hoa của chuyến tàu. Trên chuyến tàu, những hành khách hứng khởi cảm thấy như họ được đặt chân vào một trong những khách sạn tuyệt vời nhất châu Âu với những sàn gỗ tinh xảo, ghế bành da cao cấp, chăn bông và khăn trải giường lụa. Chuyến hành trình từ Paris (Pháp) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) kéo dài trong hơn 80 tiếng.
Tàu tốc hành phương Đông đã trở thành lựa chọn của giới quý tộc và giàu có phương Tây, khiến nó trở thành biểu tượng của khác biệt kinh tế vào thời bấy giờ. Ông Cookridge từng viết: “Nông dân của các quốc gia mà con tàu đi qua sẽ dừng công việc trên cánh đồng để ngắm phương tiện lộng lẫy này và những khuôn mặt sau cửa sổ”. Con tàu từ đó được gọi là “vị vua của các chuyến tàu" và "con tàu của nhà Vua”.
Nga hoàng Nicholas II từng yêu cầu đóng toa tàu đặc biệt theo yêu cầu cá nhân, trong khi nhà Vua Ferdinand I của Bulgaria khăng khăng muốn con tàu đi qua đất nước của ông với tốc độ cao. Theo tờ Telegraph (Anh), những vị khách nổi tiếng từng hiện diện trên tàu tốc hành phương Đông còn có nhà văn người Nga Lev Tolstoy, nhà phê bình nghệ thuật người Nga Sergei Diaghilev, diễn viên Đức Marlene Dietrich, nữ điệp viên Mata Hari…
Trong thời hoàng kim, con tàu này thường có biệt danh "tàu tốc hành điệp viên". Theo ông Cookridge, các điệp viên xuyên lục địa rất yêu thích con tàu này bởi đơn giản "nó khiến công việc của họ dễ dàng hơn và đi lại thêm thoải mái". Một trong những điệp viên đáng nhớ trên tàu tốc hành phương Đông là công dân Anh Robert Baden-Powell đóng vai nhà nghiên cứu bướm tại vùng Balkan. Những bức vẽ phác thảo các loại bướm đủ màu sắc và hình dạng thực chất là mật mã đại diện cho các công sự ông thấy dọc bờ biển Dalmatia ở Croatia, điều này đã tạo nhiều thuận lợi cho hải quân Anh và Italy trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Hình ảnh minh họa năm 1886 về toa ẩm thực trên tàu tốc hành phương Đông. Ảnh: Getty Imanges |
Đã có nhiều vụ việc khác xảy ra trên tàu tốc hành phương Đông. Vào năm 1891, 5 hành khách đã bị bắt cóc trên tàu để đòi tiền chuộc. Đến năm 1892, con tàu đã bị cách ly sau khi xảy ra dịch tả trên tàu. Vào thập niên 30 của kế kỷ trước, những kẻ khủng bố Hungaria đã khiến tàu tốc hành phương Đông trật bánh dẫn đến cái chết của 20 hành khách.
Mặc dù Chiến tranh Thế giới thứ hai hạn chế dịch vụ của tàu tốc hành Phương Đông nhưng 1 toa xe của con tàu này đã đóng vai trò biểu tượng lịch sử. Ngày 11-11-1918, các binh sĩ Đức ký hiệp ước đầu hàng với chỉ huy quân đồng minh tại toa của Wagons-Lits được dùng như phòng họp di động.
Người Pháp đã tự hào trưng bày toa xe này tại Paris cho đến tháng 6-1940 khi trùm phát xít Hitler ra lệnh kéo toa xe này. Hitler quyết định như vậy với mục đích muốn nơi người Đức buộc phải đầu hàng 22 năm trước trở thành địa điểm chứng kiến người Pháp ký văn kiện đầu hàng. 4 năm sau, khi thất bại của Hitler dường như đang cận kề, hắn ra lệnh phải cho phát nổ toa xe này để nó không trở thành cúp chiến thắng cho Đồng Minh một lần nữa.
Tàu tốc hành phương Đông gốc được vận hành cho đến năm 2009 và chỉ thực hiện hành trình từ Strasbourg (Pháp) đến Vienna (Áo).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.