Trong bối cảnh hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Nga suy giảm không chỉ ở phương Tây mà còn ở một số quốc gia láng giềng, việc xây dựng một chiến lược quyền lực mềm có thể là một động thái có lợi cho Moskva. Trong một bài phát biểu mới đây tại Viện Khoa học Quân sự Nga, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ
Lưu ý về sự trỗi dậy của các cuộc xung đột lai chẳng hạn như các cuộc cách mạng màu, Tướng Gerasimov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “các nhà lý luận và chuyên gia quân sự hàng đầu cũng như ngành công nghiệp quốc phòng và chính phủ Nga trong việc cùng phát triển chiến lược ‘quyền lực mềm’ để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ ‘các cuộc cách mạng màu’.”
Theo nhà phân tích Ryan Bauer tại CNA và là sinh viên tốt nghiệp Đại học Georgetown về Chương trình Nghiên cứu An ninh ở Washington (Mỹ), tầm quan trọng của bài phát biểu này gồm 2 phần. Thứ nhất, nó nhấn mạnh rằng trong khi một số người tin là Nga được cho là đã phát triển một chiến lược quyền lực mềm sâu sắc và độc nhất vô nhị, điều này là không đúng.
Nga về mặt truyền thống dựa vào sức mạnh cứng để bảo vệ an ninh quốc gia và triển khai sức mạnh . Ảnh: Reuters |
Thứ hai, bài phát biểu này có thể cho thấy một xu hướng dựa nhiều hơn vào việc sử dụng quyền lực mềm, mặc dù việc sử dụng nó đã được định hình như là một biện pháp phòng thủ. Thay vì sử dụng quyền lực mềm để bảo vệ, truyền bá những giá trị và nhằm “quyến rũ” các nước khác như Mỹ đang nỗ lực thực hiện, bài phát biểu trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với những âm mưu từ bên ngoài nhằm trực tiếp chống Nga.
Mặc dù Nga về mặt truyền thống dựa vào sức mạnh cứng để bảo vệ an ninh quốc gia và triển khai sức mạnh, Moskva có thể bắt đầu một nỗ lực hồi sinh lại việc sử dụng quyền lực mềm nhằm giúp đạt được điều này, một nỗ lực chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã xuất hiện hai cuộc chiến quyền lực. Đáng chú ý nhất là cuộc chiến của sức mạnh cứng, bao gồm các lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân ngày càng tăng giữa Mỹ và Liên Xô. Trận chiến còn lại là cuộc cạnh tranh quyền lực mềm, bao gồm cả cuộc đấu tranh tư tưởng, tầm ảnh hưởng giữa chủ nghĩa tư bản và xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn Chiến tranh Lạnh, phương Tây đã tìm cách mở rộng hơn nữa các quy tắc và sự ảnh hưởng của mình trên toàn hệ thống quốc tế thông qua một loạt các biện pháp trong đó có quyền lực mềm. Những ví dụ về các yếu tố quyền lực mềm trải dài từ lý tưởng như tự do báo chí và ngôn luận tới văn hóa phương Tây. Những lý tưởng và quy tắc này được lan truyền hiệu quả thông qua các phương tiện truyền thông phương Tây, ngành công nghiệp giải trí và chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nhưng Mỹ không phải là nước duy nhất thực hiện những nỗ lực này. Ở một mức độ nào đó, Nga cũng đã tìm cách mở rộng hơn nữa ý thức hệ và ảnh hưởng của mình ra bên ngoài biên giới thông qua việc sử dụng quyền lực mềm. Ví dụ về những nỗ lực này bao gồm các tổ chức như Quỹ Thế giới Nga và Rossotrudnichestvo, nhằm thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Nga ở nước ngoài, và nỗ lực truyền thông như Russia Today (RT) có chương trình phát sóng tại hơn 100 quốc gia.
Trong vài năm qua, các cuộc thảo luận (tại Nga) về quyền lực mềm đã tăng lên đáng kể. Một lý do khiến các cuộc thảo luận trên gia tăng xung quanh quyền lực mềm, như Nga lập luận, là sự suy giảm các tiêu chuẩn và tầm ảnh hưởng của phương Tây trên toàn cầu. Như ông Putin lưu ý trong một bài phát biểu tại Munich (Đức) năm 2007, "Mỹ đã vượt quá giới hạn biên giới quốc gia của họ bằng mọi cách. Điều này có thể nhìn thấy trong các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục mà Washington áp đặt đối với các quốc gia khác”. Khi sự hấp dẫn của các giá trị Mỹ suy giảm, một sự thật ở mức độ nào đó, kết quả là khả năng của họ trong việc triển khai quyền lực mềm cũng giảm đi.
Một lý do khác khiến các cuộc thảo luận tăng lên là cuộc khủng hoảng ở Ukraine và dẫn đến những hành động của Nga. Kể từ năm 2014, khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, đã có một sự thay đổi ngày càng tăng trong nỗ lực của Nga để tạo ra một thông điệp khác thay thế các chuẩn mực và thông lệ của phương Tây. Khả năng của Nga trong việc tạo ra những thông điệp này với một tốc độ nhanh hơn so với Mỹ đã khiến một số người tin rằng Moskva đã bắt đầu phát triển một chiến lược quyền lực mềm độc đáo và sâu sắc.
Việc phát triển một chiến lược quyền lực mềm có thể là một động thái có lợi cho Moskva. Ảnh: Reuters |
Mặc dù Nga đã thành công so với Mỹ với việc nhanh chóng tạo ra và triển khai thông điệp thay thế, đây không phải là kết quả của một chiến lược quyền lực mềm đã phát triển. Thay vì tạo ra một hình ảnh mang tính xây dựng và hấp dẫn của Nga ở nước ngoài, những nỗ lực này phần lớn liên quan đến việc tạo ra một sự chia rẽ và thay thế cho phương Tây. Với các nguồn lực sức mạnh mềm đang hướng đến những nỗ lực này, đã có một sự suy giảm trong việc tận dụng các nguồn lực để thúc đẩy “sự quyến rũ” của Nga ở nước ngoài. Theo Jan Vaslavsky, Giám đốc Trung tâm phân tích Xét lại Nga, Moskva không tận dụng được hết khả năng quyền lực mềm của mình. Như vậy, những hành động này chứng tỏ chỉ có một chính sách ngắn hạn thay vì một chiến lược quyền lực mềm lâu dài cho nước Nga.
Một lý do khác là sự thiếu thích ứng ở Nga đối với kỷ nguyên hiện đại. Như tác giả Bobo Lo lưu ý trong cuốn sách gần đây của mình "Russian and the New World Disorder" (Nga và sự hỗn loạn thế giới mới), “sức mạnh kinh tế và khả năng công nghệ củng cố uy thế ngày càng tăng của sức mạnh mềm. Các cường quốc có ảnh hưởng nhất trong thế giới ngày nay là những nước có thế mạnh nằm chủ yếu trong lĩnh vực này”. Tuy nhiên, Nga hiện đang phải đối phó với một nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, lạm phát cao, sự rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và thiếu một xã hội sáng tạo cho sự phát triển công nghệ. Để Nga phát triển một chiến lược quyền lực mềm tương thích như Tướng Gerasimov đã kêu gọi, nước này sẽ phải tiếp tục phát triển và hiện đại hóa những lĩnh vực trên.
Chuyên gia Bauer cho rằng, việc thiếu một năng lực quyền lực mềm thích hợp chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Với việc Ukraine chuyển từ một nước ủng hộ sang chống Nga, những hành động của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng này đã tiếp tục làm suy giảm hình ảnh của Moskva không chỉ ở phương Tây mà còn ở các nước láng giềng. Ngay cả những nước như Belarus, từng là một trong số ít những nước ủng hộ Nga trong hai thập kỷ qua, đang tìm cách để cân bằng tốt hơn giữa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, lời kêu gọi cho việc tạo ra một chiến lược quyền lực mềm có thể giảm những nghi ngờ và cải thiện quan hệ của Nga với những quốc gia láng giềng.
Như đã nói ở trên, về mặt truyền thống, Nga dựa trên quyền lực cứng, chẳng hạn như một quân đội lớn, để duy trì an ninh và triển khai sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng. Điều này đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng Ukraine và về mặt toàn cầu là với những nỗ lực quân sự của Moskva ở Syria. Mặc dù chỉ là một trong nhiều công cụ hữu hiệu đối với mỗi quốc gia, quyền lực mềm có thể là một phương tiện hiệu quả để thúc đẩy các giá trị và ảnh hưởng của một quốc gia. Khi hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Nga đã giảm đi không chỉ ở phương Tây mà còn ở một số quốc gia láng giềng, việc xây dựng một chiến lược quyền lực mềm có thể là một động thái có lợi cho Moskva.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.