Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự nuông chiều văn hóa mạo danh

Vũ Duy Thông| 26/02/2013 06:47

(HNM) - Nhiều năm qua, cứ dịp Rằm tháng Giêng, các cấp chính quyền cùng ngành văn hóa tỉnh Nam Định lại một phen tất bật, lao đao vì lễ hội phát ấn đền Trần.

Khi lễ hội qua rồi, cũng ngần ấy cơ quan, tổ chức ở địa phương cùng với các nhà văn hóa, lịch sử khắp nơi đã ngồi lại, hết cuộc này đến cuộc khác để khẳng định nét đẹp văn hóa truyền thống, nhu cầu của người dân với lễ hội, cũng không quên hứa công tác tổ chức năm sau sẽ tốt hơn, không còn để xảy ra những nghịch cảnh đáng buồn như nhiều năm người ta đã thấy.

Quả thực mùa lễ hội năm nay tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng. Lịch trình lễ hội, các biện pháp, phương tiện bảo vệ lễ phát ấn được triển khai sớm đã đành, tỉnh còn chuẩn bị 5 vạn tờ ấn, huy động 3.000 cảnh sát, nhân viên bảo vệ phục vụ cho sự kiện này.

Thế nhưng, tất cả những cố gắng đó trở nên vô ích. Trước áp lực của 10 vạn người tập trung dồn về nơi phát ấn, chen lấn, xô đẩy, trèo lên cây, lên hàng rào, dẫm đạp lên nhau…, hàng rào sắt được gia cố vững chãi từ mấy tháng trước  đã sụp đổ. Một dòng người với sức mạnh khủng khiếp đã tràn vào đền, vơ vét cướp phá cả các đồ tế lễ, hoa quả trên ban thờ… Một nhóm người tinh khôn hơn đã "mua" hàng trăm ấn với giá 10 nghìn - 15 nghìn đồng/lá và ngay sau đó, đã tuồn ra ngoài, bán với giá 50 nghìn, 100 nghìn một lá. Lễ hội trang nghiêm, đậm chất văn hóa, với mục đích ca ngợi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc… sau vài phút khai mạc trật tự như trên truyền hình ta đã thấy, liền rơi vào hỗn loạn. Cùng với việc cướp ấn, cướp lễ vật và đồ thờ, xung quanh đền, hàng loạt các hiện tượng chặt chém, móc túi, lừa đảo khác đã diễn ra ngang nhiên trước mắt lực lượng an ninh và người trẩy hội.

Đáng nói là những cảnh ngang tai chướng mắt đó không phải có từ xưa mà mới chỉ xuất hiện ít năm gần đây. Ngay cả những lá ấn đó cũng mới trở nên thần bí, có giá trị tâm linh như bây giờ. Không chỉ thế, việc phát ấn cũng đang được khôi phục ở khá nhiều nơi và có những nơi đã phải báo động về tình trạng quá tải. Tại đền Trần ở xã Hà Dương (Hà Trung, Thanh Hóa) vừa mới khôi phục lễ khai ấn, phát ấn và trong buổi lễ này hàng nghìn người đã chen lấn, xô đẩy nhau, tắc nghẽn đến 40 phút mới giải tỏa xong. Đền Trần Thương ở Hà Nam đã tái hiện sự tích Đức thánh Trần Hưng Đạo phát quân lương cũng có cảnh chen lấn tương tự. Rồi đây, còn hàng trăm lễ hội khai ấn, phát ấn như thế trong cả nước theo đó cũng mở ra, kéo theo tình trạng lộn xộn tràn lan.

Mấy chục năm qua, chúng ta đã khôi phục hàng nghìn lễ hội cổ và nhân dân rất phấn khởi vì điều đó. Nhưng không phải mọi lễ hội đều chỉ có mặt tích cực, mà còn có thể nảy sinh mặt tiêu cực cần vận động dân phòng tránh. Có những tập tục, lễ nghi không phù hợp, gây bất lợi… cần kiên quyết loại bỏ. Có những tập tục không nên tổ chức vì không phù hợp (chẳng hạn bỗng dưng việc khai ấn, phát ấn triều Trần lại được tổ chức tại đền Ngọc Sơn - Hà Nội). Chưa xét xem bên trong có động cơ gì không, việc cho phép khai ấn, phát ấn đền Trần ở Nam Định như năm nay và các hoạt động tương tự như ở một số đền Trần tại các địa phương khác đã để lại ấn tượng không đẹp mà dư luận còn cho rằng chính quyền đang chiều theo một thị hiếu mạo danh văn hóa. Ngành văn hóa và chính quyền các địa phương cần quyết liệt chấn chỉnh những lệch lạc ngay từ nhận thức về các giá trị văn hóa tinh thần của cả người dân và cán bộ thuộc quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự nuông chiều văn hóa mạo danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.