Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội Khai ấn đền Trần: Trang nghiêm, an toàn

Theo Báo Chính phủ| 05/02/2023 13:45

Sau 3 năm tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, Lễ hội Khai ấn đền Trần được tổ chức trở lại vào dịp đầu Xuân Quý Mão 2023. Đêm khai ấn đền Trần năm nay diễn ra không quá đông đúc; người đi lễ đền Trần được chứng kiến cảnh tượng một đêm khai ấn bình yên.

Lễ hội Khai ấn đền Trần hoạt động trở lại vào dịp Xuân Quý Mão - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Lễ hội tâm linh này từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt trong mỗi dịp mùa xuân về, cũng là thời điểm nhiều lễ hội đình chùa mở cửa đón du khách thập phương và thật thiếu sót nếu như nói đến các lễ hội tâm linh mà bỏ qua đền Trần của thành phố Nam Định, nơi đây được coi là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội gắn với những di tích lịch sử từ ngàn đời.

Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. Tuy thời gian diễn ra muộn nhưng vẫn thu hút một lượng lớn người dân, phật tử về chiêm bái. Lễ khai ấn được diễn ra với 3 nghi thức: Dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường).

Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Đêm 4-2 (14 tháng Giêng Quý Mão), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã trang trọng diễn ra Lễ Khai ấn đền Trần Xuân Quý Mão năm 2023. 

Đọc diễn văn tại Lễ Khai ấn, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng khẳng định công lao to lớn của vương triều nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Ông Phạm Duy Hưng nhấn mạnh, Lễ Khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Nam Định.

Lễ hội Khai ấn đền Trần 2023 được tổ chức trang trọng từ 22h30 với các nghi lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, dâng hương, tế cáo trước ban thờ Trung Thiên đền Thiên Trường, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin Khai ấn.

Lễ rước mở màn bằng nghi lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định 2023 cho biết sau 3 năm không tổ chức, Lễ Khai ấn năm nay diễn ra vào thứ 7 nên Ban tổ chức dự báo sẽ có lượng khách rất đông. 

Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận ấn. Lượng ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu Xuân.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Như, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. 

An ninh được thắt chặt với 5 vòng kiểm soát và 30 chốt - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bên cạnh đó, nhằm tránh tình trạng quá tải dẫn tới việc chen lấn, xô đẩy xin ấn trong đêm, năm nay, việc phát ấn đền Trần được lùi lại và bắt đầu từ 5h ngày 15 tháng Giêng, chứ không phát luôn ngay sau lễ khai ấn lúc 12h đêm như những năm trước.

Công an tỉnh Nam Định đã tăng cường gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an toàn cho Lễ Khai ấn nên tình hình an ninh trật tự trong và ngoài khu vực đền Trần được đảm bảo, không xảy tình trạng lộn xộn. 

Để tránh ùn tắc giao thông, lực lượng chức năng cũng tổ chức phân luồng từ xa đối với các phương tiện đi qua địa bàn thành phố Nam Định trong dịp diễn ra Lễ Khai ấn, phát ấn...

Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho đất nước thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”. Bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn với hàm ý truyền dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.

Ngày nay, Lễ Khai ấn đền Trần còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với Vương triều Trần, khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A của quân dân Đại Việt 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông thuở trước.

Bên cạnh đó, việc khai ấn còn thể hiện ý nghĩa lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, một năm bình an, hạnh phúc. Và với những giá trị to lớn ấy, Lễ Khai ấn đền Trần đã trở thành một tập quán, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân địa phương và phật tử cả nước về tham dự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Khai ấn đền Trần: Trang nghiêm, an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.