(HNM) - Những ngày đầu của năm mới đối với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không phải là bữa tiệc thảnh thơi cùng những lời chúc tụng hoa mỹ mà được mở đầu với hành trình trở lại Trung Đông (lần thứ 10) chỉ trong vòng gần một năm tại nhiệm đầy bận rộn của ông.
Không mang theo kỳ vọng tạo được đột phá cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 thập niên, mục đích của chuyến khởi hành đặc biệt này được vị ngoại trưởng năng động xác định là chỉ nhằm thu hẹp khoảng cách quá lớn giữa hai bên để tiến tới một hiệp định hòa bình cuối cùng.
Cái đích tháng 4-2014, thời điểm kỳ hạn đàm phán 9 tháng để ký kết văn bản mà người Palestine hy vọng sẽ mang đến cho dân tộc này một nền độc lập đã bị từ chối quá lâu, không còn xa nữa.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông. |
Kể từ thành công của chính quyền Tổng thống Barack Obama đưa hai nước trở lại bàn đàm phán hòa bình đã bị ngừng trệ suốt 3 năm vào tháng 7-2013, đã có tới 20 cuộc đối thoại được thực hiện từ Washington tới Israel và trên lãnh thổ Nhà nước Palestine. Tuy nhiên, quyết tâm của Mỹ nhằm hoàn thành lời hứa với cộng đồng quốc tế trao cho người Palestine một quốc gia độc lập trong vòng hai năm vẫn bị cản trở bởi những tồn tại cố hữu. Cột mốc cho các đường biên giới, quy chế đối với thành phố Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất bị Israel chiếm đóng và cơ chế an ninh đối với khu vực Bờ Tây sau khi thành lập một Nhà nước Palestine độc lập là những vấn đề then chốt nhất nhưng lại vấp phải tranh cãi nhiều nhất. Trong khi phía Palestine khẳng định quốc gia tương lai của họ phải được hình thành trên cơ sở đường biên giới trước cuộc chiến tranh chớp nhoáng năm 1967 và không thể thiếu Đông Jerusalem là thủ đô thì Israel vẫn không ngừng mở rộng các kế hoạch xây dựng nhiều khu định cư Do Thái tại thành phố quê hương của Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Ngay cả Mỹ cũng đã nhiều lần rút "thẻ vàng" cảnh cáo chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và bị chỉ trích trên khắp thế giới đang phá hỏng những nỗ lực thực hiện giải pháp hai nhà nước vốn được xem là đáp án tối ưu cho cuộc xung đột. Vì vậy, trọng trách hoàn thành ưu tiên ngoại giao số một trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống B.Obama đã đặt lên vai Ngoại trưởng Kerry một sứ mệnh nhiều thách thức nhưng lại không thể trì hoãn.
Cho đến nay, các bên liên quan đều rất "kiệm lời" trong việc đưa ra thông tin về tiến triển của những vòng đàm phán. Tuy nhiên, sự hiện diện liên tục của ông Kerry tại khu vực đã thuyết phục cộng đồng quốc tế tin rằng, quốc gia bảo trợ của Nhà nước Do Thái thực sự có thành ý trong việc giải quyết triệt để vấn đề Israel - Palestine. Xu hướng hiện nay cho thấy, thiết lập hòa bình và tự do lâu dài tại vùng đất nhiều mâu thuẫn này không chỉ để trả "món nợ" đã quá hạn cho người Palestine mà còn nằm trong lợi ích chiến lược của Washington. Trong bối cảnh Mỹ đang có sự điều chỉnh chính sách và tái định hướng các trọng tâm đối ngoại trên toàn cầu, mà thể hiện rõ ràng nhất là chiến lược xoay trục về Châu Á, chính quyền của Tổng thống B.Obama rất cần một Trung Đông ổn định. Thế nhưng mục tiêu này khó mà đạt được nếu như mâu thuẫn cốt lõi nhất tại khu vực này không được hóa giải. Với những cuộc chiến và sự phân cực mạnh mẽ tại Trung Đông hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề Israel - Palestine đã vượt qua khuôn khổ song phương để trở thành nguyên nhân của sự đối nghịch giữa một bên là chính quyền Do Thái và bên kia là phần lớn thế giới Arab. Việc phải "phân xử" bất đồng giữa các đồng minh Arab và "đứa con cưng" Israel, việc phải can dự vào các cuộc can thiệp quân sự tại khu vực để bảo vệ "bạn bè" hay thậm chí trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan đã làm Mỹ "thấm mệt". Vì thế, để có thể tận lực quay về Châu Á đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyền lực căng thẳng, Washington cần có một chiến thắng ít tốn kém mà lại hiệu quả trên mặt trận ngoại giao tại Trung Đông. Và không đáp án nào lý tưởng hơn việc tạo một cái kết có hậu cho cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine.
Thế nhưng, cục diện chắc sẽ khó có sự thay đổi tích cực đến vậy nếu như Palestine không giành được những vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Sự kiện, Nhà nước Palestine trở thành quốc gia phi thành viên của Liên hợp quốc đã phát đi những tín hiệu làm cho nước Mỹ hiểu rằng, việc tiếp tục chối bỏ các quyền cơ bản của dân tộc này đã không còn phù hợp với môi trường quốc tế đang có nhiều khác biệt. Và Mỹ không muốn trở nên bị động trong cuộc chơi mà luật lệ của nó không chỉ còn Washington là chủ thể duy nhất có thể sắp đặt. Do đó, dư luận quốc tế đang rất hy vọng những nỗ lực thực sự của chính quyền Tổng thống B.Obama sẽ tạo nên bước ngoặt lịch sử nữa tại Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.