Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự “lột xác” từ nếp nghĩ đến cách làm

An Nhi| 18/08/2014 06:40

(HNM) - Sau buổi báo cáo của Đoàn nghệ thuật biểu diễn Nhà hát Tuổi trẻ vừa được đào tạo trung hạn tại Nhật Bản, dám chắc sản phẩm

Từ cuối năm ngoái, sau chuyến tham quan một loạt nhà hát của Nhật Bản cùng anh em nghệ sĩ, NSND Lê Khanh đã không giấu sự khấp khởi về chuyến đi du học nghệ thuật biểu diễn tiếp theo tại đây do Quỹ Văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation) tài trợ. Cuối tháng 3, chị đã dẫn đầu đoàn gồm 15 thành viên (13 người của Nhà hát Tuổi trẻ và 2 người thuộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) lên đường tìm lời giải đáp cho hàng loạt câu hỏi: Tại sao họ lại gìn giữ, phát triển thành công văn hóa truyền thống? Tại sao nghệ thuật của họ có vị thế lớn trên thế giới? Tại sao các nhà hát, nghệ sĩ của họ giỏi thu hút khán giả đến vậy? Và rồi "Chuyện tình" (Love story) ra đời, cho thấy một sự "lột xác" từ đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, kỹ thuật viên: Vừa "chuyên", vừa "đa".

"Chuyện tình" bắt đầu rất lạ, đó là cách tạo cảm giác "cũng làm được" của khán giả qua âm nhạc, ánh sáng và nhất là các động tác hình thể uyển chuyển, gần gũi và lôi cuốn. Khán giả hòa quyện với từng chuyển động trên sân khấu, muốn làm theo và thế là họ dần dà "đi" vào câu chuyện tình của Romeo và Juliet lúc nào không hay. Họ sống với nhân vật, cảm nhân vật, cuốn vào những tình tiết bi kịch khổ đau của một tình yêu bị ngăn cấm. Nhưng họ không hề thấy đó là một câu chuyện có từ vài thế kỷ trước mà là một bi tình hiện đại với nhiều tình tiết bộn bề của cuộc sống hôm nay: Những sân ga nhộn nhịp người đi lại, những âm thanh phố phường… Các diễn viên đưa mọi người từ cuộc sống hiện đại về quá khứ rồi trở lại hiện tại nhẹ nhàng, êm dịu. Người xem thấy mình bay bổng trong không gian kịch, khám phá những chi tiết họ muốn. Đó chẳng phải là một sự giải trí hay sao?

Với "Chuyện tình", sân khấu dù có 100 chỗ hay cả nghìn ghế ngồi, khán giả vẫn cảm nhận được sự ấm áp của khung cảnh, thấy được giọt mồ hôi của mỗi người nghệ sĩ, khi họ truyền niềm đam mê, say sưa diễn xuất. Một câu chuyện kinh điển với hàng trăm bản dựng, những tình tiết khuôn mẫu thế mà vẫn làm được mới, vẫn cho khán giả biết về câu chuyện nhưng suy ngẫm phía sau đa chiều hơn, đó là nhờ đạo diễn NSND Lê Khanh. Chị đạo diễn vở này hay hơn nhiều so với "Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km", "Nhà Osin" hay mới đây là "Thị Hến". Các chi tiết khác biệt về không gian và thời gian được chị hòa quyện vào nhau nuột nà nhờ cách điều chỉnh âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang phục đến liều lượng các câu thoại, động tác diễn… Lê Khanh tiết lộ: "Chuyện tình" là sản phẩm sáng tạo của cả 15 thành viên trong đoàn, người nào cũng tham gia vào tất cả công đoạn, từ xây dựng kịch bản, đạo diễn, điều hành sân khấu, đến lựa chọn âm nhạc, thiết kế sân khấu và diễn xuất. Thế nên thật bất ngờ khi NSƯT Cao Ngọc Ánh lại có thể diễn xuất, đọc thoại với đài từ rất chuẩn. Nhà thiết kế phục trang Ngọc Trâm, kỹ thuật viên ánh sáng Xuân Khánh đều có thể đứng diễn nhập vai đến vậy. Rồi NSND Lê Khanh, diễn viên Hoàng Tùng, Lê Phương, Chí Huy, Tùng Linh có thể thực hiện những động tác khó dành cho những người đã từng học múa. Đạo diễn cho biết: Ở xứ người, nghệ sĩ được đào tạo xuyên ngành, như diễn viên kịch phải học múa, vũ đạo, âm nhạc, mỹ thuật; diễn viên múa phải học về diễn xuất, hát; các kỹ sư nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, mỹ thuật cũng phải học cả diễn xuất, phân tích kịch bản và học gì cũng phải nghiêm túc, phải giỏi. Điểm hay này, ta nên học. Còn phải học nữa là ý thức hãnh diện với văn hóa truyền thống và sự vận dụng khéo léo chúng trên sân khấu của người nghệ sĩ. Còn nên thường xuyên tìm hiểu các xu hướng nghệ thuật thế giới, tham gia sáng tạo thể nghiệm cái mới để tiến bộ.

Chuyến du học vẻn vẹn 4 tháng, nhưng chắc chắn không chỉ có "Chuyện tình" mà sẽ còn nhiều sáng tạo nữa. Nghệ thuật truyền thống sẽ chẳng lo mai một trong dòng chảy nghệ thuật thế giới. Chỉ cần ta biết cách làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự “lột xác” từ nếp nghĩ đến cách làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.