Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sứ giả của nghệ thuật truyền thống

Thanh Thủy| 20/09/2016 06:42

(HNM) - Đinh Thị Thảo (sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia) kể: Có lần chúng em tham gia một buổi giao lưu cùng nhóm sinh viên quốc tế. Hôm đó, ai cũng hào hứng giới thiệu về đất nước mình cũng như tranh thủ tìm hiểu truyền thống văn hóa nước bạn.

Sau khi nghe kể về kho tàng nghệ thuật cổ đặc sắc của Việt Nam, nhiều bạn nước ngoài rất thích thú, đề nghị chúng em trình bày một loại hình nghệ thuật nào đó để các bạn thấy được cái hay, cái đẹp. Đáp lại những mong mỏi ấy, chúng em chỉ biết... cười trừ. Thế nhưng, đó cũng chính là khởi nguồn cho sự xuất hiện của dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” - sứ giả giữ gìn di sản văn hóa truyền thống.

Một buổi học thú vị của các học viên thuộc dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”.



Khơi dậy đam mê nghệ thuật cổ truyền

Câu chuyện mà Thảo kể cho tôi nghe diễn ra đã khá lâu, song mỗi lần nhớ lại, Thảo và các bạn vẫn chưa hết ngại ngùng. Điều khiến nhóm phải nghĩ nhiều hơn là tình huống khó xử ấy đã phản ánh một thực trạng, lớp trẻ dường như ngày càng mơ hồ, xa lạ với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhiều người thậm chí không biết tên gọi hay cách phân biệt, nhận dạng các bộ môn nghệ thuật trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Đáng buồn hơn, nhiều người cứ nghe đến tên một môn nghệ thuật cổ truyền nào đó là bày tỏ ngay thái độ không hứng thú. Cứ như vậy, văn hóa truyền thống sẽ về đâu? Chung tay khơi dậy trách nhiệm gìn giữ báu vật quê hương hay cứ để những vốn quý ấy tan biến dần? Khơi dậy, gìn giữ, phát huy niềm yêu di sản trong giới trẻ như thế nào cho bền vững và hiệu quả?... là những câu hỏi Thảo cùng các bạn trăn trở suốt những tháng ngày sau đó.

“Muốn yêu phải hiểu, muốn hiểu phải học” là điều Thảo và bạn bè mình rút ra được sau một thời gian dài suy tính. Tâm niệm ấy thôi thúc họ thành lập nhóm dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” với dụng ý nuôi dưỡng tình yêu, lan truyền cảm hứng đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ qua những khóa học nghệ thuật dân gian ngắn ngày, mà chèo là bộ môn đầu tiên dự án hướng tới. Ăm ắp ý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết dù trong tay chẳng có sự hỗ trợ đáng kể nào cả về kinh nghiệm chuyên môn lẫn kinh phí hoạt động, các bạn trẻ trong nhóm vẫn nhiệt tình, tin tưởng vào ý nghĩa công việc mình làm, hằng ngày cùng nhau đưa ra các giải pháp nhằm sớm đưa “Chèo 48h” vào cuộc sống. Nguyễn Ngọc Ánh, thành viên nhóm kể lại: “Những ngày đầu hoạt động, nhóm chúng em gần như chẳng có một cơ sở hay điểm tựa nào để tin tưởng dự án sẽ thành công. Tiền không, kinh nghiệm, kiến thức cũng không. Thứ chúng em có chỉ là sự tự tin của người trẻ và một trang mạng xã hội giới thiệu về dự án một cách sơ khai, đầy bấp bênh. Mang tất cả “tài sản” hiện có của mình tới “gõ cửa” Nhà hát Chèo Việt Nam, chúng em như vỡ òa vì vui sướng khi nhận được cái gật đầu đồng ý của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát”.

“Lời hứa bảo trợ về chuyên môn của Nhà hát Chèo Việt Nam mang đến nhiều ý nghĩa cho “Chèo 48h”. Đinh Thị Thảo tiếp lời bạn: “Đó không chỉ là điểm tựa về chuyên môn cho các khóa học được tổ chức sau này mà còn là động lực để nhóm tiếp tục mở rộng nhiều hoạt động khác. Gần như cùng lúc, Quỹ Văn hóa Hà Nội, thuộc Sở VH-TT Hà Nội, cũng duyệt kinh phí để đồng hành cùng dự án. Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất với nhóm lại là số người đăng ký xin tham gia các lớp tìm hiểu về nghệ thuật chèo rất đông, vượt trên cả sự mong đợi của các thành viên. Điều này chứng tỏ nghệ thuật cổ truyền vẫn có sức hấp dẫn riêng trong đời sống hiện đại giữa muôn vàn loại hình giải trí lôi cuốn khác”.

Tìm về cội nguồn văn hóa

Kể từ những ngày đầu thành lập (năm 2014) cho đến nay, “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã tổ chức được 7 khóa học với hàng trăm học viên tham dự. Tại các lớp học này, các học viên sẽ được những diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam như các nghệ sĩ: Lê Tuấn Cường, Thúy Ngần, Văn Phương, Thục Hiền… trực tiếp uốn nắn, chỉ dạy. Sau một thời gian tiếp cận, mỗi học viên sẽ tự chọn một vai diễn phù hợp để hóa thân, từ đó có những hiểu biết chuyên sâu về nhân vật mình đảm nhận. Hoàng Trang, sinh viên Đại học Quốc gia tâm sự: “Tham gia lớp học rồi nhận vai hề cu Sứt là một thử thách rất lớn với em bởi không chỉ phải quen với dáng đi đứng, điệu bộ tay chân của một người tật nguyền mà còn cần truyền tải được cảm xúc, cái tội nghiệp của một phận đời chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ. Nhờ sự dẫn dắt của các thầy cô, sự cổ vũ, góp ý của các bạn học viên, em dần khám phá ra những khả năng của bản thân, nhất là thấy càng ngày, càng đồng cảm với nhân vật của mình. Lớp học này thực sự đã mở ra cho em một không gian văn hóa để em đắm mình trong đó, càng tìm hiểu càng thấy yêu hơn”.

Song hành với nghệ thuật chèo, dự án còn tích cực đưa vào lớp học nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, giúp học viên có thêm cơ hội tiếp cận cũng như đắm mình trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Khóa học mới nhất của “Chèo 48h” với tên gọi “Một hành trình, ba khám phá” là một chương trình như thế! Không chỉ dạy hát, diễn chèo, lớp học còn giới thiệu tới các học viên nghệ thuật hát xẩm và diễn xướng chầu văn. Mỗi bộ môn nghệ thuật, người học được tìm hiểu cách thức trình diễn cũng như nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của nó, khiến mỗi giờ học đều trở nên lôi cuốn và hấp dẫn. Từ một dự án văn nghệ dân gian dành cho người trẻ trong nước, “Chèo 48h” thu hút sự chú ý, tạo ấn tượng tốt đẹp với cả lớp trung niên, người cao tuổi, thậm chí có nhiều người nước ngoài đăng ký theo học. Nhờ vậy, thành phần tham gia các lớp học mỗi lúc một đa dạng hơn. Nhiều người tham gia từ những năm đầu tiên đến nay vẫn bám lớp vì thấy càng học, càng cuốn hút. Nghệ sĩ Ưu tú Tuấn Kha, giảng viên lớp học đúc rút: “Thế hệ trẻ ngày càng thông minh, năng động và sáng tạo. Bởi vậy dù nhiều bạn chưa bao giờ được tiếp xúc với những loại hình nghệ thuật cổ truyền hay không có hướng đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp thì tôi vẫn luôn có niềm tin các bạn sẽ tạo nên những bất ngờ. Từ các khóa học này, tôi tin nhiều bạn trẻ sẽ được tiếp thêm tình yêu với các giá trị nghệ thuật đặc sắc của cha ông ta; từ đó có những hành động gìn giữ, phát triển vẻ đẹp ấy. Điều quan trọng nhất trong việc giữ gìn di sản chính là tình yêu của sứ giả cho phần việc mình đảm nhận”.

Một góc phòng nhỏ được quy ước như một chiếu chèo. Tiếng trống cơm từng hồi hối thúc, mồ hôi đầy lưng áo thầy và trò… là những gì đang diễn ra tại hội trường Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn những ngày này. Chỉ ít ngày nữa thôi, cũng tại phòng tập này, một “thánh đường” sẽ được mở ra cho nghệ thuật chèo với sự hóa thân, nhập vai đầy lôi cuốn và hấp dẫn của những diễn viên không chuyên thuộc dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”. Không nuôi tham vọng trở thành một nghệ sĩ của sân khấu chèo, điều các thành viên từ lớp học này ấp ủ chính là mong muốn được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghệ thuật dân gian, từ đó góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa ấy. Đây cũng chính là mục tiêu mà dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đang hướng tới: Lan tỏa niềm cảm hứng với nghệ thuật cổ truyền trong cộng đồng trẻ qua những lớp tiếp cận, tìm hiểu nghệ thuật dân gian như một cách “mở đường” tìm về với cội nguồn văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sứ giả của nghệ thuật truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.