(HNM) - Thông tin mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Chương Mỹ ngày 7-4 khiến 107 công nhân nhập viện cho thấy, nguyên nhân chính là trong canh rau ngót có vi khuẩn lỵ (Shigella boydii).
Nhiều năm nay, nhu cầu rau an toàn (RAT) cho người lao động là rất lớn nhưng để RAT vào được các bếp ăn tập thể vẫn luôn là bài toán khó. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là sự thờ ơ, thiếu chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, mọi việc đều giao phó cho chủ bếp.
Việc sử dụng rau an toàn tại các bếp ăn tập thể vẫn chưa được chú trọng. |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hàng chục nghìn bếp ăn tập thể, căng tin của hệ thống các trường đại học, cao đẳng, nhà trẻ mẫu giáo, nhà máy, xí nghiệp… Trong khi dự án sản xuất RAT đã được ngành nông nghiệp và thành phố triển khai với nhiều kết quả khả quan nhưng đến nay nguồn rau của vùng dự án RAT vẫn chưa tiếp cận được với hầu hết các bếp ăn tập thể. Qua kiểm tra, có rất nhiều bếp ăn cung cấp thức ăn không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, trong đó phần lớn là nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa không rõ ràng. Thực trạng này cho thấy, sự phức tạp trong quản lý, kiểm soát đầu vào của lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất, cung ứng rau, hoa quả trên địa bàn thành phố, số lượng cung cấp sản phẩm của họ cho các đơn vị chế biến suất ăn cùng trên địa bàn là rất ít, mặc dù sản phẩm của các đơn vị này đã được chứng nhận, kiểm tra của ngành chức năng.
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX RAT Tiền Lệ, huyện Hoài Đức cho biết, sản phẩm rau sạch của HTX đã đạt chứng chỉ VietGap, tuy nhiên, các loại rau củ quả ở đây chưa tiếp cận được tới các bếp ăn tập thể, mặc dù giá cả cũng chỉ ngang bằng giá thị trường. Lý giải về vấn đề này, các nhà cung cấp thực phẩm cho biết, đơn giá doanh nghiệp đưa ra cho mỗi suất ăn hiện nay chỉ từ 12.000 đến 15.000 đồng/suất, thậm chí có doanh nghiệp yêu cầu 10.000 đồng/suất, do đó nhiều chủ bếp chỉ mua thực phẩm rẻ tiền, trôi nổi ngoài thị trường nên việc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều dễ hiểu.
Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, nhờ việc hợp tác làm ăn với Công ty cổ phần Kinh tế Thiên Trường, một đơn vị chuyên cung ứng RAT vào các bếp ăn tập thể mà huyện Chương Mỹ tiếp tục xúc tiến thành lập một HTX sản xuất RAT mới tại thị trấn Chúc Sơn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Nếu như các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện từ trường học, đến các khu, cụm điểm công nghiệp… đều sử dụng sản phẩm RAT thì nông dân sản xuất RAT sẽ không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, hiện số lượng đơn vị quan tâm đến RAT vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xác định vấn đề an toàn thực phẩm có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, không chỉ là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn liên quan đến giống nòi, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng, công tác quản lý sản xuất RAT trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Để người nông dân, các HTX mặn mà cũng như phát huy được các tiến bộ KHKT trong sản xuất RAT rất cần sự chung tay ủng hộ của người tiêu dùng. Tiên phong phải là các bếp ăn tập thể, không thể vì ham rẻ mà mua rau trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện vẫn chưa có cuộc điều tra đánh giá chính xác các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố có bao nhiêu phần trăm sử dụng RAT, bao nhiêu sử dụng rau tại các chợ đầu mối, do đó thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quan tâm sát sao, chỉ đạo nhà bếp không "câu kết" với đơn vị cung ứng, trà trộn rau không rõ nguồn gốc để hưởng lợi nhuận. Thực tế đã có nhiều bếp ăn tập thể chỉ lấy một lượng nhỏ RAT ở các HTX nhằm hợp thức hóa chứng từ "đầu vào" đối phó với các đoàn kiểm tra, còn lại ra chợ đầu mối mua rau trôi nổi. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể cho cán bộ, công nhân viên cơ quan nhưng khoán trắng, thả nổi việc lựa chọn nguồn rau xanh cho đầu bếp. Ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh tế Thiên Trường khẳng định: Qua thực tế "chào hàng" vào các bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn thành phố, nếu ở đâu người đứng đầu cơ quan quan tâm tới thực phẩm rau củ an toàn và chỉ đạo chủ bếp thực hiện nghiêm túc, sát sao thì ở đó có sử dụng RAT. Hiện ngoài chuỗi cửa hàng, Công ty cổ phần Kinh tế Thiên Trường đang cung cấp RAT cho 5 bếp ăn tập thể lớn chủ yếu là của các cơ quan nhà nước như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai... còn hầu hết DN ở các khu, điểm CN vẫn chưa sử dụng RAT.
Thiết nghĩ đi đôi với việc khuyến khích, biểu dương công bố rộng rãi các đơn vị, bệnh viện, DN sử dụng RAT trong bếp ăn tập thể, giải pháp lâu dài và bền vững là cần có những chế tài đủ mạnh đối với các bếp ăn không chấp hành đúng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các đơn vị lớn chưa tham gia sử dụng RAT, cơ quan quản lý nhà nước cần nắm rõ để có biện pháp kiểm tra, xử lý, uốn nắn kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.